Ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 10/10), giá vàng thế giới giảm hơn 1%, trước đà tăng của đồng USD và triển vọng tăng lãi suất tại Mỹ. Đây là phiên giảm phiên thứ tư liên tiếp của kim loại quý này.
David Meger, quản lý cấp cao tại công ty dịch vụ môi giới và giao dịch hàng hóa kỳ hạn High Ridge Futures (Mỹ), cho biết chính sách tăng lãi suất và sự mạnh lên của đồng USD đang tiếp tục gây sức ép đối với giá vàng và làm giảm nhu cầu đối với các tài sản an toàn phát sinh từ sự leo thang căng thẳng tại Ukraine.
Tuy nhiên, giá vàng đảo chiều đi lên trong hai phiên giao dịch liền sau đó, sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 9/2022. Biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các nhà hoạch định chính sách đồng ý rằng họ cần chuyển sang lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ hơn, rồi duy trì điều đó trong một thời gian nhằm đáp ứng mục tiêu là giảm lạm phát.
Dù vậy, một số quan chức tham gia cuộc thảo luận cho rằng điều quan trọng là Fed phải “điều chỉnh” tốc độ thắt chặt chính sách, nhằm giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu đáng kể đến triển vọng nền kinh tế.
Ông Tai Wong, một nhà giao dịch cấp cao tại công ty môi giới đầu tư Heraeus Precious Metals ở New York (Mỹ) cho biết, thị trường đang cố tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ chuyển hướng sang chính sách ôn hòa hơn. Họ đang chú ý đến từ “điều chỉnh” được sử dụng trong biên bản, từ đó khiến đồng USD giảm và giá vàng phục hồi. Tuy nhiên, giọng điệu của biên bản vẫn cho thấy Fed duy trì quan điểm chính sách “diều hâu”.
Tuy nhiên, lạm phát Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng Chín đã chặn đứng đà hưng phấn của giá vàng và đẩy kim loại quý này đi xuống trong hai phiên giao dịch cuối tuần (ngày 13-14/10).
Bộ Lao động Mỹ ngày 13/10 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại nước này trong tháng Chín tăng 0,4% so với tháng Tám, trên cơ sở đã điều chỉnh theo mùa, sau khi tăng 0,1% trong tháng Tám. CPI tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi được dự báo tăng 8,1%. Số liệu lạm phát cao hơn dự kiến làm tăng dự báo của thị trường về khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp vào tháng 11 tới, qua đó tạo sức ép giảm cho giá vàng.
Phiên giao dịch cuối tuần ngày 14/10, giá vàng giảm hơn 1%, chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và những lo ngại Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất mạnh để kiềm chế lạm phát.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay lùi 1,3% xuống 1.643.90 USD/ounce, qua đó ghi nhận mức giảm 2,9% cho cả tuần. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn mất 1,6%, xuống còn 1.649,50 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD tăng 0,6% phiên này, làm các mặt hàng neo giá theo “đồng bạc xanh” bao gồm vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Daniel Ghali, Chiến lược gia hàng hoá tại TD Securities, nhận định: “Giá vàng ngày càng tương quan với diễn biến của đồng USD và có thể giảm xuống mức thấp 1.600 USD/ounce”.
Vàng rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất Mỹ, điều này thúc đẩy lợi suất trái phiếu, làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại vốn không sinh lời.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng mạnh lên trong phiên cuối tuần, gây thêm áp lực giảm cho giá vàng.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 3,5% xuống 18,22 USD/ounce và chứng kiến mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 9/2020. Giá bạch kim giảm 0,3% xuống 893,99 USD/ounce, trong khi palladium giảm 4,9% xuống 2.003, USD/ounce. Cả hai kim loại quý này đều tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch ảm đạm.