Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên giao dịch ngày 28/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Phiên này trên thị trường New York (Mỹ), vào lúc 3 giờ 41 phút sáng ngày 29/11 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay để mất 0,1% xuống còn 1.292,7 USD/ounce.
Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn tháng 12/2017 tăng nhẹ thêm 0,04% lên khép phiên ở mức 1.294,9 USD/ounce.
Chỉ số USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – phiên này thoát khỏi mức thấp nhất của hai tháng ghi nhận tại phiên 27/11.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 1% xuống 16,85 USD/ounce, còn giá bạch kim lại tiến thêm 0,1% lên mức 948,2 USD/ounce.
Trong khi đó, giá palađi phiên này đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2001 là 1.028,30 USD/ounce, giữa lúc giới đầu tư kỳ vọng rằng nhu cầu của ngành công nghiệp ô tô sẽ đi lên.
Trong phiên giao dịch ngày 28/11, giá dầu thế giới tiếp tục giảm do đồng USD mạnh lên khiến dầu mỏ - vốn được giao dịch bằng đồng tiền xanh - trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Tại thị trường New York, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/11, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 1/2018 đã giảm 0,12 USD xuống còn 57,99 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn giảm 0,23 USD xuống 63,61 USD/thùng tại London.
Chỉ số USD, thước đo giá trị của đồng bạc xanh so với giỏ sáu đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,45% lên 93,318 vào cuối phiên giao dịch.
Trong khi đó, các nhà kinh doanh đang chờ đợi thông tin chi tiết về cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30/11.
Giá dầu đã tăng trong những tháng gần đây nhờ OPEC, Nga và các nước sản xuất dầu khác cắt giảm sản lượng. Tuy vậy, giá dầu tăng lại khuyến khích các nhà sản xuất dầu ở Mỹ tăng sản lượng “vàng đen”.