Giá vàng kỳ hạn tại thị trường châu Á đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/3, dù đà tăng đã thu hẹp so với đầu phiên, nhờ kỳ vọng vào đà phục hồi kinh tế mạnh hơn dự kiến sau khi thị trường tiếp nhận số liệu kinh tế tốt ngoài dự kiến của Trung Quốc. Trong khi đó, xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn tiếp diễn tạo áp lực giảm cho giá vàng giao ngay.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.724,10 USD/ounce, sau khi tăng 0,4% vào đầu phiên. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,2%, lên 1.722,40 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đang trở thành “cơn gió ngược” lớn nhất đối với thị trường vàng, và lợi suất càng cao thì sức ép khiến giá vàng giảm càng lớn.
Phiên này, đồng USD cũng tăng mạnh, nhờ kỳ vọng vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau khi gói cứu trợ mới liên quan đến đại dịch COVID-19 vừa được ký thành luật vào tuần trước.
Các số liệu kinh tế tích cực cũng đã làm giảm sự hấp dẫn của kim loại này, vốn được xem là thiên đường trú ẩn an toàn. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 2 năm nay, vượt ngoài dự kiến của thị trường.
Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào tuần trước, chạm mức 1.676,10 USD/ounce, do áp lực bởi đà tăng lợi tức trái phiếu, làm gia tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này để định hướng về chính sách tiền tệ.
Cũng trong phiên này, tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 16 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,30 - 55,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Chứng khoán châu Á biến động trái chiều
Các thị trường chứng khoán ở châu Á phiên chiều 15/3 biến động trái chiều trong bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi diễn biến của cuộc họp về chính sách lãi suất của một số ngân hàng trung ương lớn trong tuần này.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,17%, tương đương 49,14 điểm, lên 29.766,97 điểm, ghi nhận phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,33%, tương đương 94,04 điểm, lên 28.833,76 điểm. Còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,96%, tương đương 33,13 điểm, xuống còn 3.419,95 điểm.
Theo nhà môi giới Toshikazu Horiuchi của công ty IwaiCosmo Securities, các nhà đầu tư vẫn có tâm lý tích cực với niềm tin ngày càng tăng về việc nền kinh tế Mỹ đang trên lộ trình hướng tới một sự hồi phục ổn định.
Trong bối cảnh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai và gói cứu trợ 1.900 tỷ USD đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật, đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế này bắt đầu tại Mỹ một năm trước mà khả năng chấm dứt dịch bệnh và một biện pháp ứng phó với nó về mặt kinh tế lại diễn ra “gối đầu” nhau như thế. Điều này đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi theo hình chữ V, điều được cho là bất khả thi vào năm ngoái khi cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên giao 15/3, chỉ số HNX-Index tăng 1,28 điểm (0,47%) lên 275,19 điểm trong khi chỉ số VN-Index tăng 3 điểm (0,25%) lên 1.184,56 điểm.