Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 00 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,5 - 80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá niêm yết ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, đối với vàng nhẫn, tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76,1 - 77,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và và giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,9 - 77,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng thế giới giảm nhẹ trong phiên ngày 18/7, nhưng vẫn “neo” quanh mức cao kỷ lục đạt được trong phiên trước đó, do kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới tiếp tục tăng.
Khoảng 1 giờ 44 phút sáng ngày 19/7, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 2.451,21 USD/ounce. Giá vàng đã chạm mức cao kỷ lục là 2.483,60 USD/ounce trong phiên ngày 17/7. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% xuống 2.456,4 USD/ounce.
Chuyên gia thị trường cao cấp tại nền tảng giao dịch đa tài sản Tradu, ông Russell Shor cho biết các nhà phân tích dự báo vàng sẽ tăng giá trong dài hạn do Fed chuẩn bị cắt giảm lãi suất, cũng như niềm tin rằng lạm phát đang được kiểm soát. Ông Shor nói thêm tình trạng bất ổn địa chính trị và nhu cầu từ các ngân hàng trung ương cũng đang tạo ra triển vọng tích cực cho giá vàng trong trung và dài hạn.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường đang dự báo 98% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Vàng có xu hướng trở nên hấp dẫn hơn trong môi trường lãi suất thấp.