Cụ thể, tại thời điểm lúc 9 giờ 35 phút, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,5 - 81,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,4 - 81,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giữ nguyên mức giá ở chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Trong khi giá vàng SJC biến động tại các doanh nghiệp thì giá vàng nhẫn cùng chiều giảm. Cụ thể, giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở mức 67,92 - 69,12 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 210.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 260.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 67,9 - 69,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 90.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nhận định, xu hướng tăng giá vàng gần đây có thể được giải thích một phần là do đồng USD yếu đi, thị trường bất ổn hơn và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm.
Bên cạnh đó, nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc trong dịp lễ hội mùa Xuân và hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương cũng là nguyên nhân dẫn đến "cơn sốt" vàng kể từ đầu năm 2024.
Cùng lúc, phân tích từ Everbright Futures lưu ý rằng, sự gia tăng kỳ vọng về khả năng cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển là động lực chính thúc đẩy vàng lên giá.
Trên thế giới, giá vàng cũng liên tục trồi sụt trong tuần qua. Theo các nhà phân tích, sau khi tăng mạnh trong tuần trước, giá vàng cần có sự điều chỉnh.
Giá vàng kỳ hạn chốt phiên 15/3 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm, trong bối cảnh đồng USD mạnh lên. Cụ thể, giá vàng giao tháng 4/2024 giảm 6 USD, hay 0,28%, xuống 2.161,5 USD/ounce.