Cụ thể, sáng 20/6, tại thời điểm 8 giờ 55 phút, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên chiều qua.
Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), ổn định mức giá so với chốt phiên chiều qua.
Trước đó, giá vàng tăng trong phiên giao dịch 19/6, sau khi các dữ liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế mờ nhạt của Mỹ góp phần duy trì kỳ vọng về ít nhất một lần cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.
Cụ thể, cuối phiên này tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên mức 2.330,23 USD/ounce.
Dữ liệu hôm 18/6 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ hầu như không tăng trong tháng 5/2024 và doanh số bán lẻ của tháng trước đó đã được điều chỉnh thấp hơn đáng kể, cho thấy hoạt động kinh tế Mỹ vẫn mờ nhạt trong quý II/2024.
Công cụ CME FedWatch cho thấy, thông tin trên đã làm tăng nhẹ khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới từ mức 61% lên 67%.
Ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades, cho biết động lực chính dẫn đến đà tăng của giá vàng vẫn là kỳ vọng của thị trường đối với chính sách tiền tệ của Fed, song biên độ tăng khá nhẹ do thị trường chờ đợi những tin tức quan trọng hơn. Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng- tài sản không sinh lời.
Ông Evangelista cho biết: "Hoạt động mua vàng của các chính phủ vẫn ổn định. Vì vậy, trừ khi có bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong kịch bản này, giá dự kiến sẽ vẫn được hỗ trợ trên mức 2.300 USD/ounce”.
Giá vàng đã tăng khoảng 1,3% vào cuối tuần trước do dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt ở Mỹ, trong khi chứng khoán châu Âu bị bán tháo do chứng khoán Pháp bị ảnh hưởng bởi bất ổn chính trị.
Nhà phân tích thị trường Carlo Alberto De Casa của Kinesis Money cho biết, sự bất ổn chính trị tại châu Âu có thể là nhân tố hỗ trợ giá vàng, vốn được coi là “thiên đường trú ẩn an toàn”, khi các cuộc bầu cử ở Pháp và Anh sắp đến gần.