Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 1.903,97 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp kể từ ngày 29/3 trong phiên giao dịch trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 0,4%, lên 1.903,70 USD/ounce.
Phiên này, đồng USD hạ từ mức cao nhất hai năm của phiên trước, qua đó hỗ trợ cho các mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như vàng. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lại tiếp tục tăng, hạn chế đà đi lên của mặt hàng kim loại quý này.
Jeffrey Halley, nhà phân tích cấp cao của OANDA, cho biết: “Một số nhân tố hỗ trợ cho vàng xuất hiện ở châu Á khi Trung Quốc nới lỏng dự trữ ngoại tệ cho các ngân hàng trong nước và đặt tỷ giá USD/NDT trung lập để hỗ trợ đồng nội tệ. Tuy nhiên, ông Halley cho biết thêm, sự ổn định của vàng là “rất mong manh”.
Vàng vốn được coi là “kênh trú ẩn an toàn” trong các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,8% lên 23,79 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 1,1% lên 930,87 USD/ounce và giá palladium tăng 2,8% lên 2.203,25 USD/ounce.
Giá palladium hôm 25/4 đã mất gần 13%, xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng Ba, do lo ngại về lệnh phong tỏa xã hội liên quan tới đại dịch COVID-19 tiếp tục được áp đặt ở Trung Quốc- thị trường tiêu thụ palladium hàng đầu thế giới, làm giảm triển vọng nhu cầu đối với kim loại này.
Giống như vàng, sự phục hồi của palladium có vẻ mong manh và đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc gần như chắc chắn khiến kim loại quý này quay lại mức hỗ trợ 2.025 USD/ounce.
Nornickel, nhà sản xuất palladium lớn nhất thế giới cho biết, sản lượng palladium quý I/2022 của họ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng trước đó cho năm 2022, bất chấp những khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty CP Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 69,45 - 70,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).