Chiều phiên này, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay tăng 0,2%, lên 1.189,58 USD/ounce, sau khi giảm 1,2% phiên trước đó, ghi dấu mức giảm mạnh nhất theo ngày kể từ ngày 15/8, đồng thời chạm mức thấp nhất hơn một tuần là 1.183,19 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn cũng tăng 0,4%, lên 1.193 USD/ounce.
Theo Stephen Innes, người đứng đầu bộ phận giao dịch của APAC tại OANDA (Singapore), nhận định, xu hướng săn hàng hóa giá hời và nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn tăng cao sau khi chứng kiến đà bán tháo trên thị trường chứng khoán đã góp phần hỗ trợ giá vàng.
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố ngày 9/10, với tốc độ tăng trưởng thương mại có xu hướng chậm lại do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo triển vọng đối với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu xuống mức 3,7% trong năm nay và 2019. Trong giai đoạn 2022 - 2023, con số này sẽ giảm xuống còn 3,6%. Trong khi đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự báo sẽ là 4,2% trong năm nay, thấp hơn gần 1% so với dự báo hồi tháng Tư vừa qua.
Theo ông Mark To, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Wing Fung Financial Group (Hong Kong) cho biết, nhu cầu tìm đến với các tài sản an toàn sẽ diễn ra trong ngắn hạn, hỗ trợ giá vàng duy trì ở mức hiện tại do những rủi ro từ nguy cơ nổ ra các cuộc chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị tại Italy và dòng tiền rút khỏi các thị trường cổ phiếu.
Cũng trong phiên này, giá bạc tăng 0,4%, lên 14,40 USD/ounce. Giá bạch kim hạ nhẹ 0,1%, xuống 816,99 USD/ounce. Giá palađi cũng mất 0,1%, xuống 1.073,50 USD/ounce.