Theo đó, giá vàng giao ngay đã giảm 0,4% xuống mức 1.724,29 USD/ounce vào lúc 1 giờ 5 phút (sáng ngày 25/4 theo giờ Việt Nam), sau khi đã có lúc giảm hơn 1% hồi đầu phiên. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng lùi 0,6% xuống mức 1.735,60 USD/ounce.
Ông Tai Wong, người đứng đầu mảng giao dịch phái sinh cho kim loại cơ bản và kim loại quý tại công ty môi giới đầu tư BMO cho biết sự suy giảm của phiên ngày thứ Sáu là do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Tuy nhiên, giá vàng vẫn đang ở quanh mức cao của giai đoạn hiện tại vì cả những nhà đầu tư nhỏ lẻ lẫn nhà đầu tư tổ chức đã liên tục mua vàng, trong bối cảnh cân đối tài chính toàn cầu ngày càng khó khăn và triển vọng kinh tế thế giới vẫn vô cùng không chắc chắn.
Nhìn chung, giá vàng tuần qua vẫn tăng giá khá vững chắc. Trong phiên đầu tuần vào ngày 20/4, giá vàng thế giới đã tăng đến 1%, khi sự sụt giảm của giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp kỷ lục đã khiến các tài sản rủi ro “thất thế” và đưa giới đầu tư tìm đến sự an toàn từ vàng. Giới chuyên gia cho rằng những biến động mang tính lịch sử trong ngành dầu mỏ có thể là chỉ dấu cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu còn lâu mới có thể phục hồi trở lại bình thường, qua đó càng tạo đà cho giá vàng đi lên.
Tuy nhiên sang phiên 21/4, giá vàng thế giới giảm hơn 1% xuống mức thấp của gần hai tuần khi các nhà đầu tư bán vàng lấy tiền mặt để bù lỗ cho các loại tài sản khác, chủ yếu do sự cố trên thị trường dầu mỏ. Ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, nói rằng sự lao dốc của giá dầu đã khiến toàn bộ thị trường hàng hóa đi xuống. Rất nhiều nhà đầu tư đang rời bỏ các lệnh nắm giữ với thái độ chờ-và-xem để đánh giá liệu tác động từ cú sốc trên thị trường năng lượng có tiếp tục lan tỏa sang thị trường kim loại quý hay không.
Trong phiên 22/4, giá vàng bật tăng trở lại với mức tăng gần 3%, trong bối cảnh giá dầu thô phục hồi sau khi giảm mạnh xuống các mức thấp kỷ lục vào những phiên gần đây. Song các nhà phân tích cho rằng giá dầu thô tăng trở lại là chỉ dấu của lạm phát, qua đó thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến kim loại quý này để tránh lạm phát và bảo toàn tài sản.
Giá vàng thế giới ngày 23/4 tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 14/4 là 1.7,58 USD/ounce, giữa lúc thị trường kỳ vọng Mỹ sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích khi đại dịch COVID-19 gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế này. Yếu tố chính hỗ trợ kim loại quý trong phiên này là thông tin Hạ viện Mỹ vào cùng ngày đã thông qua một dự luật kích thích bổ sung trị giá 484 tỷ USD, nâng tổng chi phí hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ ứng phó với tác động từ đại dịch lên gần 3.000 tỷ USD. Tính chung trên cả tuần, giá vàng đã tăng hơn 2%.
Vàng thường được xem là một kênh đầu tư an toàn trong thời kỳ bất ổn chính trị và tài chính. Kim loại quý này có xu hướng được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích rộng rãi từ các ngân hàng trung ương vì nó được coi như một “hàng rào” chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ.
Ông Edward Moya, một nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới OANDA nói rằng vàng sẽ tiếp tục được hỗ trợ từ một loạt gói kích thích lớn trên khắp thế giới. Ngoài ra, khả năng cao là làn sóng giao dịch được kích thích bởi các biện pháp hỗ trợ này sẽ chưa sớm kết thúc và nó sẽ còn tăng mạnh trong những tháng tới.
Song chuyên gia trên lưu ý có một yếu tố có thể làm “trật bánh” đà tăng của giá vàng là một bước đột phá trong việc tìm ra và sản xuất vắc-xin cho COVID-19.