Trước diễn biến tăng giảm trong biên độ hẹp của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng dịch chuyển cùng xu hướng. Trong phiên giao dịch đầu tuần 4/3, giá vàng trong nước được giao dịch ở mức 36,49 - 36,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Đến phiên 5/3, bắt nhịp với đà giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước giảm xuống giao dịch ở mức 36,42 - 36,61 triệu đồng/lượng, mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua.
Những phiên sau đó, giá vàng dần hồi phục trở lại nhờ nhu cầu giao dịch vàng tăng trong dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3. Các nhà vàng cũng đã nắm bắt thời cơ, tung nhiều sản phẩm theo xu hướng từ nhiều phân khúc hàng từ giá thấp tới cao.
Đến phiên giao dịch cuối tuần (9/3), giá vàng giao dịch ở ngưỡng 36,51- 36,7 triệu đồng/lượng. Như vậy, tuần qua, giá vàng được điều chỉnh tăng nhẹ 20.000 đồng/lượng ở chiều mua vào.
Theo Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI, thị trường vàng trong nước diễn biến khó phán đoán trong thời gian này khiến các nhà đầu tư tạm thời chưa có những động thái rõ ràng và tiếp tục thận trọng chờ đợi cơ hội mới.
Trên thị trường thế giới, thị trường vàng diễn biến khá chông chênh vào đầu tuần khi liên tục chứng kiến đà giảm, song xu hướng phục hồi vào cuối tuần đã giúp mặt hàng kim loại quý này chứng kiến tuần tăng giá nhẹ.
Giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 5 tuần, khi chỉ số đồng USD ở gần mức đỉnh của hai tuần so với giỏ sáu đồng tiền khác trên thị trường. Sau đó, việc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) một lần nữa hạ dự báo cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và 2020, viện dẫn những tranh chấp thương mại và bất ổn từ Brexit đã khiến vàng đi lên.
Một yếu tố nữa đẩy giá vàng thế giới nhích lên trong tuần là báo cáo việc làm của Mỹ chỉ tạo ra thêm 20.000 việc làm trong tháng 2/2019 và hoạt động xuất khẩu tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.