Giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.548,94 USD/ounce vào lúc 1 giờ 31 phút (ngày 4/1 theo giờ Việt Nam). Trước đó trong cùng phiên, giá vàng đã có lúc tăng lên mức 1.553,20 USD/ounce - cao nhất kể từ ngày 5/9/2019.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng tới 1,5% và khép phiên ở mức 1.552,40 USD/ounce.
Tính chung cả tuần, giá vàng đã có mức tăng tốt nhất kể từ đầu tháng 8/2019 là hơn 2,5%. Trừ phiên 1/1 đóng cửa nghỉ lễ, những phiên còn lại đều ghi nhận xu hướng tăng của giá vàng khi giới đầu tư chưa nguôi lo lắng về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Trong hai phiên 30-31/12/2019, giá vàng đều tăng ổn định 0,3% mỗi phiên do tâm lý thận trọng nêu trên của thị trường. Nhưng sang phiên 2/1, giá vàng đã ghi nhận mức tăng cao hơn là 0,6% khi giới đầu tư tỏ ra hoài nghi về đà tăng điểm mạnh trên thị trường Phố Wall và tiến hành tái cơ cấu danh mục đầu tư của mình sau kỳ nghỉ lễ.
Song những diễn biến bất ngờ tại Trung Đông đã giúp đẩy giá vàng tăng vọt và kết thúc tuần ở mức “đỉnh” của bốn tháng. Ngày 3/1, Iran đã lên tiếng cảnh báo sẽ trả thù vụ Thiếu tướng Qasem Soleimani, người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị thiệt mạng trong cuộc không kích do Mỹ tiến hành rạng sáng cùng ngày nhằm vào đoàn xe chở quan chức này tại sân bay quốc tế thủ đô Baghdad, Iraq.
Theo ông Everett Millman, chuyên gia về thị trường kim loại quý tại công ty môi giới đầu tư Gainesville Coins, tình hình tại Trung Đông có thể còn “tăng nhiệt” hơn nữa. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng giá vàng đã chạm mức kháng cự 1.550 USD/ounce. Điều này có thể đồng nghĩa với việc nếu không có một cuộc đối đầu trực tiếp tại Trung Đông, vàng nhiều khả năng sẽ bị bán tháo ở mức dưới 1.500 USD/ounce một lần nữa.
Ngoài ra, việc ngành chế tạo Mỹ trong tháng 12/2019 ghi nhận mức suy giảm mức lớn nhất trong hơn một thập kỷ cũng “tiếp sức” cho giá vàng.
Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, nhà kinh tế học Oren Klachkin thuộc công ty tư vấn đầu tư Oxford Economics nhận định hoạt động chế tạo của Mỹ sẽ vẫn chịu nhiều áp lực trong năm 2020. Chuyên gia này đã viện dẫn một loạt những lý do “đè nặng” lên ngành chế tạo của Mỹ, bao gồm những “cơn gió ngược” khi tăng trưởng toàn cầu suy yếu, sự không chắc chắn về chính sách thương mại và thuế quan, cùng với một đồng USD mạnh.