Trong khi đó, biên bản cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã làm giảm hy vọng về việc ngân hàng này sớm cắt giảm lãi suất.
Cụ thể, cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên mức 2.026,21 USD/ounce. Đầu phiên, giá kim loại quý này có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 9/2.
Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3%, xuống mức 2.034,30 USD/ounce.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại chuyên trang thị trường vàng Kitco Metal, cho biết cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas vẫn căng thẳng, góp phần giúp vàng giữ vững mức giá cao.
Lực lượng Houthi vẫn tiếp tục tấn công các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đỏ và eo biển Bab al-Mandab.
Vàng được coi là hàng rào chống lại những bất ổn kinh tế và địa chính trị, trong khi lãi suất cao hơn làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng, vốn không sinh lời.
Phần lớn các nhà hoạch định chính sách tại cuộc họp gần đây nhất của Fed đều lo ngại về rủi ro của việc cắt giảm lãi suất quá sớm, với sự không chắc chắn về việc chi phí đi vay sẽ duy trì ở mức hiện tại trong bao lâu.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures, cho biết: “Fed sẽ không cắt giảm lãi suất hoặc tăng lãi suất, vì vậy tôi nghĩ vàng có tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn”.
Cũng trong phiên này, chỉ số đồng USD giảm nhẹ, khiến vàng - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh- trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.
Giá bạch kim giao ngay mất 2%, xuống mức 882,76 USD/ounce. Giá palladium giảm 2,8% xuống 947,85 US/ounce, còn giá bạc giảm 0,3%, xuống 22,92 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 22/2, Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 75,8 - 78,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).