Phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.670,72 USD/ounce vào lúc 0 giờ 48 phút (sáng 20/9 theo giờ Việt Nam) và quanh mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 ghi nhận vào thứ Sáu tuần trước.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng mất 0,3% xuống 1.678,20 USD/ounce.
Ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty tư vấn đầu tư RJO Futures (Mỹ) cho biết việc vàng vẫn đang quanh mức thấp phần lớn do những đồn đoán về cuộc họp của Fed trong tuần này. Chuyên gia của RJO Futures cho biết thêm rằng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn cũng đang gây áp lực lên giá vàng.
Khi kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Tư, Fed dự kiến sẽ thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản để chống lại lạm phát cao. Một số thị trường thậm chí còn nhận định có 20% cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản.
Ngoài Fed, lo ngại về lạm phát gia tăng cũng đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương khác thắt chặt chính sách tiền tệ. Mặc dù vàng được coi là một “hàng rào chống lạm phát”, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn có lãi suất bằng không.
Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới đầu tư OANDA (Mỹ) điều khiến thị trường do dự với vàng là các nhà đầu tư cho rằng ngay cả khi Fed tạm dừng tăng lãi suất, điều đó có thể không đảm bảo rằng họ đã hoàn thành quá trình này.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc mất 1,2% xuống 19,32 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 1% lên 915,91 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 20/9, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 65,75-66,57 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).