Khép lại phiên này, giá vàng giao tháng 12/2021 tăng 14,40 USD, hay 0,8%, lên 1.796,30 USD/ounce. Trước đó, giá vàng giao tháng 12/2021 được giao dịch ở mức 1.815,50 USD/ounce trong suốt phiên này. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 1,6%, mức tăng theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 27/8. Mức tăng này đánh dấu tuần tăng giá thứ tư trong năm tuần qua.
Ông Powell ngày 22/10 nhận định rằng đà tăng lạm phát tại Mỹ có thể sẽ kéo dài sang năm sau, và đã đến lúc thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng trị giá 120 tỷ USD của Fed. Cuộc họp chính sách tiếp theo của ngân hàng này sẽ diễn ra vào hai ngày 2-3/11. Giá vàng giảm xuống vào cuối phiên do sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời vào cuối tuần và hoạt động bán ra sau bình luận trên của Chủ tịch Fed.
Tuy nhiên, ông Chintan Karnani, giám đốc nghiên cứu của công ty tư vấn kinh doanh Insignia Consultants (Ấn Độ), nhận định giá vàng vẫn đang được hỗ trợ bởi những lo ngại về lạm phát. Ông cho biết Ngân hàng trung ương Nga đã nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát, và trong hai tuần tới sẽ diễn ra nhiều cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn, như Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Fed.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng thế giới giảm do lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng đã làm giảm sức hấp dẫn của vàng, dù tâm lý né tránh rủi ro trên các thị trường tài chính đã hạn chế đà giảm của kim loại quý này.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng khi giới đầu tư ngày càng “đánh cược” nhiều hơn vào khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm mua tài sản sau số liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ vẫn tăng mạnh trong tháng trước. Trong khi đó, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt vẫn ổn định.
Giá vàng chỉ tăng khiêm tốn trong hai phiên liên tiếp sau đó, trước đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và báo cáo kinh doanh lạc quan từ các doanh nghiệp Mỹ.
Nhà phân tích Edward Moya làm việc ở công ty dịch vụ môi giới OANDA, có trụ sở tại Mỹ, cho rằng không có nhiều người đặt lòng tin vào vàng tại thời điểm hiện nay. Theo chuyên gia này, thị trường vẫn chưa biết chính xác liệu khi nào Fed sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ. Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh lạc quan của doanh nghiệp đang làm gia tăng sức hấp dẫn của các tài sản rủi ro như chứng khoán.
Một nhân tố khác làm giảm bớt sự hấp dẫn của vàng là việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,6302%, mức cao nhất kể từ đầu tháng Sáu. Một số nhà quan sát dự báo Fed sẽ sớm thu hẹp chương trình mua tài sản trước báo cáo lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp và đà tăng của giá tiêu dùng tại Mỹ.
Tuy nhiên, giá vàng thế giới lại giảm xuống trong phiên giao dịch 21/10, khi áp lực từ lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ gia tăng đã lấn át sự hỗ trợ từ những lo ngại về lạm phát và lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS (Thụy Sỹ) nhận định rằng sự gia tăng trong các dự đoán về lạm phát và sự "hạ nhiệt" các dự đoán về tăng trưởng có thể là yếu tố hỗ trợ giá vàng trong vài tháng tới.