Ngoài ra, thị trường kim loại quý cũng đang chịu tác động bởi báo cáo kinh tế bớt ảm đạm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 1,7%, xuống 1.890,1 USD/ounce. Giá vàng Mỹ kỳ hạn cũng hạ 1,8%, xuống 1.894,60 USD/ounce.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại quý tại High Ridge Futures, cho biết sự bế tắc trong đàm phán gói kích thích tiếp theo tại Mỹ tiếp tục gây áp lực lên các tài sản như vàng, vốn đang dựa vào sự suy yếu của đồng USD. Trong khi đó, IMF và các cơ quan khác như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lưu ý rằng sự phục hồi kinh tế đang diễn ra nhanh hơn một chút so với dự đoán ban đầu. Điều đó sẽ khiến giới quan sát cho rằng kinh tế thế giới có thể cần ít gói kích thích hơn.
Đồng USD tăng 0,5% so với các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ, khiến vàng đắt hơn, sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết gói kích thích mới nhất liên quan tới dịch COVID-19 của Tổng thống Donald Trump đã không đáp ứng được những gì mà nước Mỹ đang cần.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: "Vàng đã bị 'đùa giỡn' khi Mỹ vẫn đang đàm phán cho gói kích thích kinh tế mới và sự bế tắc hiện nay đã “lấy đi một số động lực tăng giá ngắn hạn mà chúng tôi từng dự đoán”.
Vàng, được coi là hàng rào chống lại lạm phát và giảm giá tiền tệ, đã tăng 25% trong năm nay trong bối cảnh các nước đưa ra các gói kích thích lớn chưa từng có nhằm ứng phó với tác động của đại dịch.
Cũng trong phiên này, giá các kim loại khác trượt dốc, với bạc giảm 4,4% xuống 24,02 USD/ounce, bạch kim giảm 1% xuống 864,69 USD/ounce và palladium giảm 3,8% xuống 2.311,34 USD/ounce.
Phiên này, tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 55,95 - 56,47 triệu đồng/lượng.