Chốt phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,8%, xuống 1.712,93 USD/ounce, sau khi leo lên mức “đỉnh” của ba tuần là 1.729,39 USD/ounce vào phiên trước đó. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng mất 0,6%, xuống 1.720,80 USD/ounce.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại công ty dịch vụ môi giới và giao dịch hàng hóa kỳ hạn High Ridge Futures (Mỹ), nhận định: “Chúng ta đang thấy sự phục hồi của đồng USD và lợi suất trái phiếu, điều đó khiến giá vàng suy giảm sau khi tăng mạnh trong vài phiên trước đó”.
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 vào ngày 4/10, đồng USD tăng 1% trong ngày 5/10, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng trong phiên này.
Theo Báo cáo việc làm Mỹ của ADP, khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra nhiều việc làm hơn trong tháng 9/2022, cho thấy nhu cầu về người lao động vẫn mạnh mẽ mặc dù lãi suất tăng và điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Hiện giới đầu tư chuyển trọng tâm chú ý chuyển sang dữ liệu việc làm tháng Chín của Bộ Lao động Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 7/10.
Ông Meger nói: “Fed hiện tập trung nhiều vào thị trường lao động. Chúng tôi đã thấy những dấu hiệu nhỏ về khả năng hoạt động sản xuất tại Mỹ chậm lại. Tuy nhiên, nếu dữ liệu việc làm tốt hơn kỳ vong, điều đó có thể gây tổn thương thị trường vàng”.
Vàng rất nhạy cảm với việc nâng lãi suất của Mỹ, vì lãi suất cao làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại không đem lại lợi suất.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 6/10, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giao dịch ở mức 65,40 - 66,42 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).