Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX của Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 0,4%, xuống 1.811,59 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng hạ 1%, xuống 1.813,50 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) cho biết: “Nhân tố chính chi phối giá vàng tại thời điểm này là những đồn đoán về khả năng Fed sẽ rất quyết liệt khi nâng lãi suất vào cuộc họp chính sách tới, dựa trên dữ liệu lạm phát cao kỷ lục gần đây”.
Ngoài ra, đồng USD tăng so với rổ tiền tệ, chạm mức cao nhất trong hai thập kỷ, khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với người mua ở nước ngoài, cũng tạo áp lực giảm cho vàng.
Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ), cho biết: “Trong ngắn hạn, đây vẫn là một môi trường khó khăn đối với vàng, nhưng cuối cùng kim loại quý này sẽ tiếp tục vai trò trú ẩn an toàn, chỉ cần đồng USD ngừng tăng mạnh”.
Kỳ vọng về mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed đã tăng lên 96%, theo công cụ theo dõi Fedwatch của CME. Mức tăng lãi suất đó sẽ là lớn nhất kể từ năm 1994, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng không sinh lời.
Các dữ liệu khác cho thấy chỉ số giá sản xuất của Mỹ đã tăng 0,8% trong tháng 5/2022, sau khi tăng 0,4% trong tháng Tư, phù hợp với dự đoán.
Nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch) nói: “Cuộc chạy đua chống lạm phát thành công hay không thành công trước khi nền kinh tế bắt đầu tổn thương đã trở thành một chủ đề chính đang được các nhà hoạch định chính sách bàn thảo và sẽ quyết định hướng đi cuối cùng của vàng”.
Cũng trong phiên này, giá bạc giảm 0,4% xuống 20,96 USD/ounce và giá bạch kim giảm 1,6% xuống 918,51 USD/ounce. Giá palladium tăng 1,2% lên 1.817,57 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất gần 6 tháng trong phiên trước đó.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 15/6, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 67,60 - ,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).