Vào lúc 1 giờ 3 phút ngày 22/12 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.786,50 USD/ounce. Còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 1.788,70 USD/ounce.
Phillip Streible, chiến lược gia thị trường trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Blue Line Futures tại Chicago (Mỹ), cho biết đồng USD phục hồi cùng với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên thị trường vàng. Tuy nhiên, mọi người vẫn đang mua vào vàng do lo ngại về tình hình bất ổn trong đó có tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và giá vàng sẽ vẫn xoay quanh mốc 1.800 USD/ounce.
Đồng USD “lấy lại sức” và tâm lý ưa rủi ro phục hồi trở lại sau đợt bán tháo trên các thị trường. Han Tan, nhà phân tích thị trường trưởng tại công ty môi giới tài chính Exinity (Vương quốc Anh) cho biết kim loại quý này có thể sẽ leo lên mức cao mới trong năm 2022 nếu lạm phát dự báo tiếp tục tăng, còn lợi suất danh nghĩa vẫn bị kiềm chế.
Vàng vốn được xem là kênh đầu tư an toàn trong giai đoạn lạm phát, tuy nhiên việc tăng lãi suất có thể hạn chế sức ép lạm phát, đồng thời cũng làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 22,50 USD/ounce. Trong khi đó, giá palladium tăng 2,6% lên 1.794,86 USD/ounce, còn giá bạch kim ổn định ở mức 932 USD/ounce.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính RJO Futures (Mỹ), cho biết palladium có thể được hưởng lợi nhờ dự đoán nhu cầu ô tô bị dồn nén.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 22/12, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,850 - 61,550 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).