Phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.904,60 USD/ounce vào lúc 0 giờ 32 phút (sáng ngày 27/10). Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn hầu như không thay đổi ở mức 1.905,70 USD/ounce.
Ông Phillip Streible, chiến lược gia thị trường tại công ty môi giới đầu tư Blue Line Futures, cho biết vàng đã bị “mắc kẹt” trong khoảng 1.930 - 1.880 USD/ounce và đang chờ đợi tín hiệu từ cuộc bầu cử cùng làn sóng lây nhiễm mới của đại dịch COVID-19.
Sự gia tăng đột biến số các ca mắc mới tại Mỹ và châu Âu đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là khi số ca mắc mới chạm mức kỷ lục ở Mỹ. Còn tại châu Âu, Italy và Tây Ban Nha đã phải áp đặt các hạn chế đi lại mới để kiểm soát dịch bệnh.
Trong khi đó, vào ngày 25/10, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang xem xét kế hoạch cứu trợ mới nhất để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi từ đại dịch COVID-19. Bà dự kiến Nhà Trắng sẽ đưa ra phản ứng vào ngày 26/10 (theo giờ địa phương).
Ông Tai Wong, người đứng đầu bộ phận giao dịch phái sinh kim loại quý và cơ bản tại ngân hàng BMO cho biết tâm lý thị trường nhìn chung vẫn khá lạc quan. Nhiều người có quan điểm rằng gói kích thích chắc chắn sẽ được đưa ra và đó chỉ là vấn đề thời gian.
Vàng thường được hưởng lợi từ các biện pháp kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương, vì kim loại quý này được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ.
Tuy nhiên, sức hấp dẫn của vàng như một kênh trú ẩn an toàn đã bị hạn chế phần nào bởi sự mạnh lên của đồng USD. Phiên này, chỉ số đồng USD – thước đo sức khỏe của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác - đã tăng 0,3% và khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trên thi trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 1,4% xuống 24,25 USD/ounce, trong khi giá bạch kim để mất tới 3,5% xuống 869,83 USD/ounce.
Khép lại phiên 26/10, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,85 - 56,37 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).