Theo đó, giá vàng giao ngay đã giảm 4,5% xuống còn 1.5,96 USD/ounce vào lúc 2 giờ 15 phút (sáng 29/2 theo giờ Việt Nam), dẫn đến mức sụt giảm theo ngày lớn nhất kể từ giữa năm 2013 đối với kim loại quý này.
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng đã giảm 4,6% xuống còn 1.566,70 USD/ounce.
Ngoài vàng, các kim loại quý khác cũng ghi nhận một ngày giảm tồi tê. Giá paladi trong phiên 28/2 đã có lúc giảm tới gần 13% và khép lại phiên này với mức giảm 10,8% xuống 2.5,21 USD/ounce – ghi dấu “màn trình diễn” tồi tệ nhất của paladi kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.
Giá bạch kim cũng lùi 5,5% xuống 849,63 USD/ounce, trong khi giá bạc lao dốc 7,2% xuống 16,43 USD/ounce.
Trong một lưu ý gửi tới khách hàng, nhà phân tích Georgette Boele của ngân hàng ABN Amro cho hay khi lòng tin của thị trường suy giảm, các nhà đầu tư đã đóng lại những lệnh bán ra không chỉ trên thị trường tiền tệ mà còn cả trên thị trường vàng. Do đó, giá vàng đã không thể đạt được mức cao mới ngay cả khi thị trường chứng khoán giảm mạnh.
Chuyên gia này cũng cho rằng nếu những lo ngại của nhà đầu tư biến thành sự hoảng loạn trên thị trường, họ sẽ lựa chọn tiền mặt cùng những loại tài sản có tính thanh khoản cao và sẽ thanh lý các kênh đầu tư vào vàng.
Thị trường vàng đã chứng kiến tình trạng giá dao động mạnh trong tuần này.
Trong phiên đầu tuần vào ngày 24/2, giá vàng đã tăng lên mức cao nhất trong bảy năm là 1.8,66 USD/ounce do nhu cầu về các kênh trú ẩn an toàn tăng vọt vì lo ngại về dịch COVID-19 lan rộng.
Song đà tăng trên đã không duy trì được lâu. Trong hai phiên sau đó là 25-26/2, hoạt động bán ra chốt lời của giới đầu tư đã đẩy giá vàng rời khỏi mức cao của bảy năm. Kim loại quý này ghi nhận sự hồi phục nhẹ trong phiên 27/2 khi nhà đầu tư lại tìm về các kênh trú ẩn an toàn như vàng trước các diễn biến khó lường của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, với mức giảm sâu của phiên 28/2, giá vàng thế giới đã giảm tới 5% tính chung trên cả tuần này - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 11/11/2016. Sự suy giảm trên gần như đã xóa đi toàn bộ những gì mà giá vàng đạt được trong tháng này. Tính tới hiện tại, giá vàng đã giảm 1,3% so với mức ghi nhận hồi cuối tháng 1/2020.
Sự lây lan nhanh chóng của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã làm dấy lên lo ngại về một đại dịch, với thêm nhiều quốc gia đồng loạt báo cáo các trường hợp nhiễm đầu tiên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo dịch COVID-19 có thể lan rộng trên toàn thế giới.
Những lo lắng về diễn biến dịch đã khiến các thị trường chứng khoán trên thế giới rơi vào tình trạng tụt dốc tồi tệ nhất kể từ năm 2008, khi gần 6.000 tỷ USD đã bị “thổi bay” khỏi giá trị thị trường chứng khoán cho đến thời điểm hiện tại của tuần này.
Ông Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới đầu tư JonesTrading nói rằng việc nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và vàng, một động thái khái bất thường vì vàng vốn có xu hướng tăng giá khi các tài sản rủi ro như chứng khoán suy giảm, là do thị trường lo ngại về khả năng dịch COVID-19 sẽ khiến kinh tế toàn cầu giảm phát. Nếu điều đó trở thành hiện thực, nó sẽ làm suy yếu hoạt động chi tiêu và làm chậm tăng trưởng kinh tế hơn nữa.