Yếu tố chính chi phối giá vàng trong tuần cuối cùng của năm 2020 là những thông tin về gói kích thích kinh tế mới nhất của Mỹ.
Trong phiên đầu tuần 28/12, giá vàng giảm 0,15% khi cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ lẫn đồng USD đều đi lên trong phiên này. Các nhà phân tích cho rằng việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành dự luật kích thích kinh tế mà Quốc hội Mỹ đã thông qua đã tạo động lực cho các thị trường chứng khoán, qua đó tăng sức ép lên vàng.
Sang phiên 29/12, giá vàng thế giới phục hồi 0,3% trong bối cảnh gói kích thích kinh tế bổ sung của Mỹ đã làm tăng sức hấp dẫn của vàng và gây sức ép lên đồng USD. Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, cho biết các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một làn sóng kích thích mạnh hơn nhiều khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền.
Đà tăng của giá vàng tiếp tục trong phiên 30/12. Triển vọng tăng cường các gói cứu trợ tài khóa cho kinh tế Mỹ làm đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm qua và tạo lực đẩy cho vàng. Dù vậy, việc triển khai vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu và xu hướng ưa thích các tài sản rủi ro của nhà đầu tư đã hạn chế đà tăng của kim loại quý trong phiên này.
Giá vàng thế giới đứng vững trong phiên 31/12, trong khi đồng USD tiếp tục suy yếu về mức thấp nhất của hai năm rưỡi.
Phiên 1/1/2021, thị trường đóng cửa nghỉ lễ Năm mới. Như vậy, trong tuần cuối cùng của năm 2020, giá vàng vẫn tăng nhẹ 0,5%.
Về phía đồng bạc xanh, đồng tiền này đã giảm 0,4% trong tuần và suy yếu 2,1% trong cả tháng 12 vừa qua. Theo số liệu từ FactSet, tính chung trong năm 2020, đồng USD đã mất 6,7%.
Sự sụt giảm của đồng USD đã giúp thúc đẩy đà tăng giá của vàng, ngay cả khi các thị trường chứng khoán có sự phục hồi đáng kể từ giai đoạn lao dốc do đại dịch COVID-19 gây ra.
Với mức tăng nhẹ trong tuần giao dịch cuối cùng của năm, giá vàng thế giới đã tiến thêm 25% trong năm 2020 – mức cao nhất kể từ năm 2010 tới nay – giữa lúc các ngân hàng trung ương và chính phủ toàn cầu phải đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế, tạo cơ sở cho lạm phát cao hơn và đẩy các đồng tiền đi xuống.
Sang năm 2021, các nhà phân tích và theo dõi xu hướng hầu hết đều cho rằng diễn biến của thị trường vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngăn chặn đại dịch lây lan, cũng như bất kỳ đợt bùng phát nào khác bắt nguồn từ biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Trong trường hợp đại dịch được khống chế thành công, các nhà đầu tư sẽ ưa chuộng các tài sản rủi ro hơn và qua đó tạo áp lực đi xuống đối với giá vàng.
Ngược lại, nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, giới đầu tư sẽ đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn và giá vàng có thể sẽ tăng.
Song dù tăng hay giảm, vàng sẽ vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư trong năm 2021. Nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp trong khi duy trì thanh khoản dễ dàng để hỗ trợ tăng trưởng.
Gói kích thích kinh tế gần 900 tỷ USD của Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm tính thanh khoản hiện có của đồng bạc xanh trong hệ thống, qua đó làm suy yếu đồng tiền này. Một đồng USD yếu được cho là sẽ đẩy giá vàng lên, như những xu hướng trước đây chứng minh.
Ngoài ra, những gói kích thích quy mô lớn trên toàn cầu cùng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Các nhà đầu tư có xu hướng chuyển từ đồng USD sang vàng như một “hàng rào” chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ, qua đó cũng làm tăng thêm giá trị của kim loại quý này.
Nhưng giới phân tích cũng lưu ý, nếu vắc-xin ngừa COVID-19 thực sự hiệu quả và thế giới có thể đánh bại đại dịch vào mùa Hè năm 2021, đà tăng của vàng nhiều khả năng sẽ bị hạn chế.