Giá kim loại quý này khép lại tuần cuối cùng, tháng cuối cùng và quý cuối cùng của năm 2021 tăng, nhưng mức tăng không đủ mạnh để cứu vãn được đà giảm cả năm.
Trong cả năm 2021, giá vàng giảm 3,6%, mức giảm mạnh nhất kể từ khi giảm trên 10% vào năm 2015.
Giá vàng giao tháng 2/2022 tăng 14,5 USD, hay 0,8%, chốt phiên 31/12 ở mức 1.828,6 USD/ounce.
Trong phiên 30/12, giá vàng đi lên giữa bối cảnh đà giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giúp bù đắp sức ép từ đà tăng của đồng USD. Giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.813,16 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng nhẹ lên 1.814,10 USD/ounce.
Giá vàng ổn định trong phiên giao dịch 29/12, khi đồng USD suy yếu hơn giúp bù đắp cho sự gia tăng lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và nhu cầu cao hơn đối với các tài sản rủi ro. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay đi ngang ở mức 1.804,56 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn lại hạ 0,3%, xuống 1.805,80 USD/ounce.
Trong phiên 28/12, giá vàng tăng do sự điều chỉnh của thị trường trước thềm Năm mới. Giá vàng giao tháng 2/2022 tăng 2,1 USD (0,12%) đóng cửa ở mức 1.810,9 USD/ounce.
Trong phiên 27/12, giá vàng chạm mức cao nhất trong hơn một tuần, khi những nguy cơ mới với tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ sự gia tăng trong số ca mắc COVID-19 đã lấn át áp lực từ đồng USD mạnh lên. Giá vàng giao ngay ổn định ở mức 1.807,50 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,2% và đóng phiên ở mức 1.808,80 USD/ounce.
Theo số liệu của công ty dữ liệu tài chính FactSet (Mỹ), giá vàng tăng 0,9% trong cả tuần và tăng 4% trong quý IV/2021.
Nhà phân tích Tom McClellan cho rằng vàng ít nhận được sự quan tâm của các quỹ giao dịch gắn với kim loại này hơn, dù đã giành được động lực trong các giao dịch gần đây. Các quỹ được đề cập đến là iShares Gold Trust và SPDR Gold Shares, hai kênh đầu tư vào vàng phổ biến nhất với nhà đầu tư.
Hiện giá vàng tăng nhẹ, nhưng tổng tài sản của hai quỹ là thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Thông thường, các tài sản trong các quỹ này tăng, giảm cùng chiều với giá vàng.