Giá vàng giao ngay tăng 0,6%, lên 1.724,72 USD/ounce vào lúc 15 giờ 4 phút theo giờ Việt Nam, sau khi chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2012 là 1.726,85 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,6%, lên 1.772,2 USD/ounce.
Người phụ trách chiến lược tại CMC Markets, McCarthy, cho rằng những lo ngại về triển vọng kinh tế đã hỗ trợ giá vàng và thanh khoản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cùng với điều kiện lãi suất thấp đã khiến vàng hấp dẫn hơn.
Nhiều nước và ngân hàng trung ương đã thực hiện các biện pháp tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuần trước, Fed đã công bố gói kích thích trị giá 2.300 tỷ USD, trong khi các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu nhất trí gói hỗ trợ trị giá 500 tỷ euro.
Gói kích thích của Fed nhằm bơm thanh khoản vào nền kinh tế Mỹ đang chịu tác động của dịch COVID-19 và có xu hướng gây sức ép lên đồng USD, điều sẽ khiến vàng trở nên tương đối rẻ hơn cho người mua, trong khi lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời như vàng.
Một cuộc suy thoái kinh tế sâu và việc chi lớn cho các chương trình cứu trợ sẽ làm thâm hụt ngân sách tài khóa 2020 của Mỹ tăng gấp bốn lần, lên mức kỷ lục 3.800 tỷ USD, tương đương 18,7% GDP của nước này.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 13/4 cho biết sẽ tăng cường viện trợ tài chính cho 25 quốc gia thành viên, để các nước này có thể tập trung nguồn lực tài chính nhiều hơn vào việc ứng phó với đại dịch.
Phản ánh sức hấp dẫn của vàng, lượng vàng mà quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ tăng 1,6%, lên 1.009,7 tấn vào ngày 13/4, mức cao nhất kể từ tháng 6/2013.
Với các kim loại khác, giá pa-la-đi tăng 1,9%, lên 2.231,61 USD/ounce. Giá bạc tăng 0,6%, lên 15,54 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 2,5%, lên 766,7 USD/ounce.
Kết thúc phiên giao dịch 14/4, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,75 - 48,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).