Khoảng 2 giờ 2 phút sáng ngày 7/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.699,70 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 30/8 là 1.726,49 USD/ounce trong phiên giao dịch tại châu Á.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,6% xuống 1.712,9 USD/ounce.
Sự chú ý của thị trường trong tuần này là cuộc họp của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 8/9 tới, trong đó ngân hàng này dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Trong khi đó, thị trường đặt cược 73% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 20-21/9 tới.
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư TD Securities (Mỹ) cho biết áp lực lên thị trường hiện nay đều liên quan đến triển vọng chính sách tiền tệ trên toàn thế giới trong năm tới.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 20 năm sau số liệu cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ tăng trở lại vào tháng 8/2022, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2022 do đồn đoán Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Lợi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội nắm giữ tài sản không sinh lợi như vàng.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới giao dịch hàng hóa kỳ hạn RJO Futures (Mỹ) nhận định đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng đã kéo giá vàng đi xuống. Mặc dù thị trường có thể xuất hiện một vài hoạt động mua vào giá rẻ, giúp vàng duy trì ở một mức trên thị trường, song rất khó để vàng có thể phục hồi với điều kiện hiện nay.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,2% xuống 17,95 USD/ounce. Giá palladium giảm 2% xuống 1.992,95 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giao ngay tăng 0,5% lên 850,21 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 7/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,00 - 66,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).