Tuy nhiên, sự lên giá của đồng USD cùng với những số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ và Trung Quốc đã phần nào kiềm chế đà tăng của giá kim loại quý này.
Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.291,03 USD/ounce, sau khi có lúc trong phiên rơi xuống 1.284,76 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ ngày 7/3. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,1% lên 1.295,40 USD/ounce.
Phiên 2/4, các thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm sau ba phiên tăng giá mạnh. Tuy nhiên, trước các số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tại Trung Quốc và Mỹ đều tăng trưởng cao hơn dự báo, chiến lược gia Phil Streible, thuộc RJO Futures in Chicago, cho rằng thống kê kinh tế tích cực hơn khiến các nhà giao dịch không có lý do để tăng cường mua vàng, vốn được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng lên mức cao của ba tuần so với rổ tiền tệ cũng khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn đang theo sát các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo kế hoạch được nối lại trong tuần này tại Washington. Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho biết lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã giảm 1,5% trong ngày 1/4, mức giảm theo ngày mạnh nhất trong một tháng.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,1% xuống 15,09 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2018 là 14,90 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,2% xuống 845,67 USD/ounce.