Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.984,75 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn của Mỹ tăng 0,7% lên 2.000,40 USD/ounce.
Chuyên gia Edward Moya thuộc công ty môi giới tài chính OANDA nhận định thị trường chịu ảnh hưởng bởi các sự kiện lớn và điều này khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Ngày 2/4, Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác thuộc nhóm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, hay còn gọi là OPEC+, thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày.
Theo chuyên gia Moya, quyết định bất ngờ giảm sản lượng của OPEC+, đang thúc đẩy nhu cầu đối với vàng như một công cụ chống lại lạm phát.
Bên cạnh đó, động thái của OPEC cũng khiến đồng USD giảm giá, nhân tố có lợi cho giá vàng. Ngoài ra, giá kim loại quý này còn được thúc đẩy trước số liệu cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng Ba đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm do số lượng đơn đặt hàng mới sụt giảm.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết môi trường lãi suất cao hơn vẫn có thể gây trở ngại cho giá vàng. Matt Simpson, nhà phân tích tại công ty tài chính City Index (Anh), cho rằng giá vàng dễ bị tổn thương do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 4/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66,40 - 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).