Giá vàng mở đầu tuần qua với đà giảm trong phiên giao dịch 11/5 do đồng USD được hưởng lợi từ việc các nhà đầu tư bảo toàn tài sản do lo ngại về khả năng xảy ra đợt lây nhiễm thứ hai dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Sau đó, vàng ghi nhận bốn phiên tăng giá liên tiếp, trước những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích để hỗ trợ nền kinh tế bị "kiệt quệ" bởi những hạn chế được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng tiếp thêm sức cho thị trường vàng.
Đáng chú ý, giá vàng thế giới đã có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong ba tuần qua trong phiên 14/5, nhờ nhu cầu đối với kim loại quý này gia tăng, trong bối cảnh giới đầu tư "quay lưng" với các tài sản rủi ro hơn do lo ngại về tình trạng yếu kém kéo dài của nền kinh tế cũng như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, nhận định trong tương lai gần, giá vàng sẽ nhận được hỗ trợ từ các chính sách kinh tế vĩ mô. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 13/5 đã cảnh báo về một giai đoạn tăng trưởng yếu kém kéo dài của nền kinh tế, đồng thời cam kết sẽ tận dụng sức mạnh của Fed nếu cần thiết và kêu gọi chi tiêu tài chính bổ sung nhằm giúp kinh tế Mỹ ứng phó với tác động của dịch COVID-19.
Giá vàng cũng được hưởng lợi từ những căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ-Trung, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông rất thất vọng về cách thức Trung Quốc giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19.
Ngày 15/5, phiên cuối cùng của tuần qua, đã chứng khiến mức đóng phiên cao nhất của giá vàng trong một tháng qua, khi số liệu kinh tế Mỹ cho thấy tác động của dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh, và những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã làm tăng nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Khép lại phiên này, giá vàng giao tháng Sáu tăng 15,40 USD/ounce, hay 0,9%, lên 1.756,30 USD/ounce, mức đóng phiên cao nhất kể từ ngày 14/4, theo số liệu của FactSet. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng 2,5%.
Các số liệu kinh tế mới công bố cho thấy kinh tế Mỹ đang đối mặt với những khó khăn lớn và có thể không phục hồi nhanh chóng kể cả khi Chính phủ dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đã được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Số liệu về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ được công bố ngày 15/5 cho thấy sự giảm sút kỷ lục trong tháng Tư, tháng đầu tiên thực hiện biện pháp phong tỏa trong cả tháng, khi dịch bệnh đã khiến gần 86.000 người Mỹ tử vong và khoảng 36,5 triệu lao động của nền kinh tế lớn nhất thế giới này mất việc làm.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ ở nước này giảm 16,4% trong tháng Tư, sau khi đã giảm 8,3% trong tháng Ba, mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ năm 1992. Sự sụt giảm này đã đảo ngược đà tăng trưởng trong nhiều năm và đưa doanh số bán lẻ về gần mức của tháng 8/2012.
Về chuỗi cung ứng, chỉ số sản lượng công nghiệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giảm kỷ lục là 11,2% trong tháng Tư, mức giảm hàng tháng mạnh nhất trong lịch sử 101 năm của nước Mỹ. Lĩnh vực sản xuất ô tô chịu tác động mạnh nhất, giảm hơn 70%, trong khi sản lượng chế tạo chung giảm 13,8%.
Với hàng triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu mỗi tuần kể từ khi các biện pháp phong tỏa được thực hiện vào giữa tháng Ba, giới phân tích lo ngại kinh tế Mỹ sẽ mất nhiều tháng để đẩy lùi được tình trạng suy giảm. Các nhà kinh tế Gabriel Ehrlich và Daniil Manaenkov của Đại học Michigan nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đạt đỉnh là 17,4% trong quý II năm nay, sau đó giảm xuống 8,9% vào cuối năm 2020 và 7,6% vào cuối năm 2021.
Giá vàng cũng chịu ảnh hưởng trước diễn biến mới nhất trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, khi Chính quyền của Tổng thống Mỹ ngày 15/5 đã có động thái nhằm chặn các nguồn cung chip toàn cầu cho tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, làm dấy lên những lo ngại về biện pháp trả đũa của Bắc Kinh.