Giá vàng giao tháng 8 tăng 9,7 USD, hay gần 0,6%, chốt phiên 26/6 ở mức 1.780,3 USD/ounce, sau khi rơi xuống mức thấp trong phiên là 1.754 USD/ounce.
Giá kim loại quý này giảm trong hai phiên trước, do chịu sức ép từ việc đồng USD lên giá, sau khi chốt phiên 23/6 ở mức cao nhất kể từ ngày 4/10/2012.
Theo Dow Jones Market Data, trong tuần qua, giá vàng tăng 1,6%, tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Theo người phụ trách phân tích thị trường tại Insignia Consultants, Chintan Karnani, những lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai của đại dịch COVID-19 sẽ ngăn cản xu hướng đi xuống của giá vàng trong ngắn hạn, cho dù số liệu việc làm của Mỹ trong tuần tới vượt các dự báo.
Một phân tích của Bloomberg, các bang Mỹ đã ghi nhận mức tăng kỷ lục gần 40.000 ca mắc trong ngày 25/6, dẫn đầu là các bang Florida, Texas, California và Arizona, vượt qua con số 36.188 ca của ngày 24/4.
Trong bối cảnh đó, đồng USD không biến động nhiều trong phiên 26/6, khi thị trường vàng chốt phiên, nhưng trên đà giảm trong cả tuần. Việc đồng USD yếu hơn có thể hỗ trợ cho các tài sản được định giá bằng đồng tiền này, khi có lợi cho những người mua bằng các đồng tiền khác.
Báo cáo mới nhất về lòng tin tiêu dùng tháng 6 của Mỹ đã không có tác động nhiều đến giá vàng phiên cuối tuần. Theo báo cáo, chỉ số lòng tin tiêu dùng của nước này giảm xuống 78,1, so với mức 79,3 theo báo cáo sơ bộ. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng trong tháng 5 tăng kỷ lục 8,2%, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 tác động đến kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các biện pháp kích thích mà các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới thực hiện và việc lãi suất hạ xuống mức thấp hoặc âm được xem là những yếu tố hỗ trợ hoạt động mua vào các kim loại quý.
Người phụ trách phân tích của ActivTrades, Carlo Alberto De Casa, nhận định triển vọng giá vàng vẫn tích cực, khi thị trường đang tìm kiếm động lực cho sự phục hồi mạnh hơn.