Đầu tuần này (hai ngày 8 - 9/5), thị trường vàng dường như đã “phớt lờ” những tác động của báo cáo việc làm được công bố vào cuối tuần trước. Đợt bán tháo trong phiên đó đã khiến giá vàng giảm gần 3% so với mức kỷ lục đạt được trong cùng tuần trước, khi chưa có dữ liệu này. Bản báo cáo cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã tăng tốc trong tháng Tư, cho thấy sức mạnh bền bỉ của thị trường lao động nước này.
Chuyên gia Daniel Ghali, chiến lược gia thị trường hàng hóa tại công ty môi giới đầu tư TD Securities, nói rằng viễn cảnh suy thoái có khả năng khiến thị trường đặt cược vào các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này sẽ khiến các nhà giao dịch bán bớt lượng vàng họ đang nắm giữ.
Trong khi đó, Thống đốc Philip Jefferson của Fed cho rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại, từ đó cho phép lạm phát giảm xuống kể cả khi nền kinh tế vẫn đang tăng trưởng. Còn Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams cho biết lạm phát vẫn còn quá cao, nhưng tín dụng thắt chặt hơn sẽ kìm hãm nền kinh tế.
Thị trường đang dự đoán xác suất Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 là 82% và xác suất ngân hàng này hạ lãi suất vào tháng 7 là 33%. Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Giới đầu tư đang dõi theo những diễn biến trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ, sau khi một khảo sát của Fed mới đây cho thấy các ngân hàng đã thắt chặt các tiêu chuẩn tín dụng trong những tháng đầu của năm nay.
Giá vàng quay đầu giảm vào phiên 10/5, do hoạt động bán ra của nhà đầu tư, sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ làm lu mờ những đồn đoán về khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty tài chính OANDA nhận định Fed có khả năng phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn. Trong khi đó, vàng cần nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa để thúc đẩy đà tăng giá.
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/5 cho biết giá tiêu dùng của nước này tiếp tục tăng trong tháng 4 do chi phí nhiên liệu và giá thuê nhà tăng, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng 4, sau khi tăng 0,1% trong tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI đã tăng 4,9% trong tháng 4, giảm nhẹ so với mức tăng 5% của tháng 3.
Ông Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo, cho biết vàng có thể gặp khó khăn trong ngắn hạn với lạm phát cơ bản không thay đổi so với tháng trước và cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed.
Đồng USD mạnh lên khiến giá vàng tiếp tục đi xuống trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, lấn át sự hỗ trợ vàng từ những rủi ro kinh tế kéo dài.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp tại chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals, cho biết tình hình không chắc chắn của lĩnh vực ngân hàng, mới nhất là trường hợp của PacWest, đã thúc đẩy một số nhu cầu tìm kiếm tài sản an toàn như đồng USD.
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần vào phiên 12/5, chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, qua đó khiến thị trường ghi nhận tuần giảm.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay hạ 0,3% xuống 2.010,57 USD/ounce, sau khi giảm tới 0,7% vào đầu phiên. Còn giá vàng giao kỳ hạn mất 0,2%, xuống 2.015,80 USD/ounce.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng và ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2023, làm vàng trở nên kém hấp dẫn hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cao hơn cũng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại vốn không sinh lời này.
Tuy nhiên, ông Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư RJO Futures, nhận định: “Sự gia tăng của đồng USD bị hạn chế do các vấn đề trần nợ mà chúng ta sẽ trải qua trong vài tuần tới, khi đó vàng sẽ được hưởng lợi nếu điều đó kéo dài”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết vẫn chưa chắc chắn chính xác khi nào Bộ Tài chính Mỹ sẽ hết tiền mặt để chi trả các khoản nợ của chính phủ và điều này có thể xảy ra sớm nhất vào ngày 1/6.
Kim loại quý này có xu hướng tăng giá trong thời kỳ bất ổn về kinh tế hoặc tài chính. Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích nghiên cứu cấp cao tại sàn giao dịch ngoại hối FXTM, cho biết tâm lý lạc quan trên thị trường vàng vẫn mạnh mẽ trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất vào cuối năm nay, đồng thời cho biết thêm rằng nhà đầu tư thực tế dự báo Fed sẽ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9/2023.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay giảm 1,3% xuống 23,86 USD/ounce, và giảm khoảng 7% trong tuần này, mức giảm tồi tệ nhất trong bảy tháng. Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty tài chính City Index, cho rằng sự sụt giảm của giá bạc là do đồng USD phục hồi và những lo ngại về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Giá bạch kim giảm 2,8% xuống 1.063,43 USD/ounce, trong khi giá palladium mất 2,4% xuống 1.514,20 USD/ounce. Tuy nhiên, tính chung cả tuần qua, cả hai kim loại quý này đều ghi nhận mức tăng giá.