Tại thị trường Hà Nội, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 56,7 - 57,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 350.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so thời điểm mở cửa sáng nay.
Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Quý cũng điều chỉnh giá vàng SJC giảm 220.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so thời điểm mở cửa sáng 3/6, ở mức 56,85 - 57,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Như vậy, giá vàng trong nước đã xuất hiện chiều hướng giảm sau nhiều phiên tăng liên tiếp từ 1/6 đến sáng 3/6 với biên độ tại thời điểm tăng cao nhất lên 530.000 đồng/lượng.
Theo anh Hoàng Hữu Dũng, chủ tiệm vàng Hoàng Hữu trên phố Hàng Bạc, Hà Nội, sau nhiều phiên điều chỉnh, giá vàng trong nước vẫn đang giao dịch ở mức cao so với từ đầu năm. Tuy nhiên, mức giá này biến động chủ yếu theo diễn biến của thị trường thế giới. Trong khi đó, dịch bệnh tác động đến tâm lý làm giảm tiêu dùng cá nhân, việc lãi suất huy động của các ngân hàng giảm hút tiền vào thị trường chứng khoán khiến cho ít người dân có nhu cầu nắm giữ vàng.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại các con phố kinh doanh vàng như Trần Nhân Tông, Hàng Bạc, Hà Trung... những ngày này không có biến động mạnh. Thị trường yên ắng dù vẫn có người dân đến mua, bán nhưng chủ yếu với số lượng nhỏ lẻ để chốt lời hay làm trang sức.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, tại một số địa phương ghi nhận nhiều cửa hàng vàng đóng cửa; còn lại các cửa hàng vẫn hoạt động tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch cho khách hàng như đo thân nhiệt, khử khuẩn, yêu cầu người mua và bán đeo khẩu trang khi giao dịch.
Trên thế giới, giá vàng trong phiên giao dịch 2/6 đi lên, trước đà giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.906,80 USD/ounce, sau khi vọt lên 1.916,40 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 8/1 trong phiên 1/6. Trong khi đó, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 0,3% lên 1.909,90 USD/ounce.
Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống dưới 1,6%, qua đó làm giảm chi phí nắm giữ vàng. Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về thị trường lao động Mỹ dự kiến công bố ngày 4/6, để đánh giá triển vọng của chính sách tiền tệ trong tương lai.
Trước đó, cuối tuần qua, vàng được các chuyên gia nước ngoài kỳ vọng hấp dẫn như một kênh phòng ngừa lạm phát. Khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt trong tháng 4/2021, với thước đo lạm phát cơ bản vượt qua mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định, số liệu về tiêu dùng cá nhân tăng nhẹ tiếp tục hỗ trợ môi trường lạm phát tiềm ẩn, vốn rất thuận lợi cho vàng.