Vàng được bày bán tại cửa hàng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Cụ thể, tại thị trường Bengaluru (Ấn Độ) vào lúc 13 giờ 26 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm phiên thứ ba liên tiếp và được giao dịch ở mức 1.255,51 USD/ounce (giảm 0,3%), sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12 năm ngoái là 1.253 USD/ounce. Trong khi giá vàng Mỹ giao tháng Tám giảm 0,2% xuống còn 1.257,30 USD/ounce.
Ông John Sharma, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng National Australia, cho biết dường như giá vàng đang không được hưởng lợi từ những rủi ro liên quan đến tình hình căng thẳng thương mại đang gia tăng, mà ngược lại còn đi xuống do đồng USD mạnh lên.
Chuyên gia này cũng cho biết giới đầu tư dường như đang tìm đến các kênh trú ẩn an toàn khác như trái phiếu chính phủ của Mỹ hay một số đồng tiền như đồng yen, và vàng sẽ vẫn chịu áp lực giảm giá trong ngắn hạn.
Phiên này, đồng USD vững giá so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác khi tăng 0,4% và khép lại bốn phiên giảm liên tiếp xuống mức thấp nhất trong hai tuần. Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh của Fed ở Dallas Robert Kaplan cho rằng Fed có thể tăng lãi suất ít nhất là hai lần nữa trong năm nay.
“Đồng bạc xanh” mạnh lên và lãi suất cao hơn sẽ làm giảm nhu cầu đối với vàng vì kim loại quý không sinh lời này sẽ trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Cũng trong phiên này trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống còn 16,20 USD/ounce. Trong khi giá bạch kim giảm 0,8% và được giao dịch ở mức 858,50 USD/ounce.
*Giá dầu châu Á trong phiên ngày 27/6 đi lên trong bối cảnh việc nguồn cung gián đoạn tại Canada đã tác động tới thị trường và sau khi quan chức Mỹ lưu ý các nhà nhập khẩu cần ngừng mua dầu của Iran từ tháng 11/2018.
Trên sàn giao dịch điện tử Singapore vào lúc 13 giờ 50 phút, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,61 USD (0,8%) lên 76,92 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn được mua bán ở mức 70,88 USD/thùng, tăng 0,35 USD (0,5%) so với phiên trước đó.
Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/6 cho hay Washington đã yêu cầu các nước ngừng nhập khẩu dầu Iran từ tháng 11/2018. Tuy nhiên, các thị trường dầu đã không phản ứng mạnh trước lời kêu gọi của Washington vì động thái này đã được tiên liệu.
Bên cạnh những cấm vận đối với Iran đang hiện hữu, mối đe dọa khác về nguồn cung đang ảnh hưởng đến thị trường. Viện Xăng dầu Mỹ (API) ngày 26/6 thông báo lượng dầu thô tại các kho dự trữ của Mỹ đã giảm 9,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/6 xuống 421,4 triệu thùng.
Tình hình chính trị bất ổn tại Libya và nguồn cung gián đoạn ở khu vực Bắc Mỹ cũng tác động tới thị trường "vàng đen".
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cuối tuần trước cho biết sẽ tăng sản lượng. Trong lúc Saudi Arabia - nước xuất khẩu hàng đầu của OPEC - có kế hoạch sản xuất 11 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy, so với mức 10,8 triệu thùng trong tháng Sáu.