Giá xăng tại Australia tiếp tục tăng cao kỷ lục

Giá xăng bán lẻ tại thị trường Australia ngày 11/3 đã tăng lên mức trung bình 196 xu AUD/lít (137,2 xu USD/lít), thiết lập ngưỡng cao kỷ lục, gây tác động đến chi phí vận chuyển và giá cả sinh hoạt.

Chú thích ảnh
Các phương tiện đổ xăng tại trạm xăng ở Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Công ty bảo hiểm chuyên về phương tiện giao thông NRMA nhận định giá xăng tại Australia sẽ sớm vượt qua ngưỡng 220 xu AUD/lít trong vài tuần tới.

Chuyên gia của cơ quan đánh giá năng lượng EnergyQuest, ông Graeme Bethune, cho rằng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu giá xăng tại Australia sớm tiệm cận mức bán lẻ 250 xu AUD/lít. Ông nói thị trường dầu thế giới vốn đã bị thắt chặt ngay cả trước khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine (U-crai-na) gia tăng, do sự phục hồi nhanh chóng của các nền kinh tế sau những tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tăng vọt.

Tương tự, nhà kinh tế trưởng của công ty CommSec, thuộc ngân hàng Commonwealth của Australia (CBA), ông Craig James, dự báo giá xăng tại Australia sẽ vượt mức 220 xu AUD/lít trong vài tuần tới. Ông cho rằng, sau khi giá dầu Brent tăng 20 USD/thùng vào tuần trước, giá xăng trung bình của Australia sẽ sớm tăng lên 210 xu AUD/lít và tiếp tục tăng, phá vỡ các kỷ lục đã thiết lập trước đó.

Ông James cho rằng giá nhiên liệu tăng cao sẽ khiến giá cả hàng hóa tăng, ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu của các hộ gia đình, buộc họ phải cắt giảm ngân sách dành cho các nhu cầu không thiết yếu và cuối cùng gây tổn hại đến sự phục hồi của nền kinh tế quốc gia.

Chuyên gia CBA phân tích trung bình một gia đình tại Australia đang chi tiêu kỷ lục 257,46 AUD (180,3 USD)/tháng cho xăng dầu, tăng 35 AUD so với tháng đầu năm 2022. Điều này có nghĩa là họ buộc phải cắt giảm các khoản chi tiêu khác của gia đình để bù đắp cho việc phải tăng mức chi tiêu cho nhiên liệu, chưa tính đến mức chi thêm cho các khoản tăng giá của hàng hóa tiêu dùng.

Một số nghiệp đoàn vận tải, đại diện của các nhóm ngành công nghiệp đã lên tiếng kêu gọi chính phủ cần nhanh chóng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, để bình ổn giá xăng trong nước. Thượng nghị sỹ độc lập của bang Nam Australia, Rex Patrick, kêu gọi Chính phủ Australia xem xét giảm một nửa thuế nhiên liệu trong vòng 12 tháng tới. Đề xuất của ông nhận được sự ủng hộ của các nhóm công nghiệp, bao gồm cả Hội đồng điều tiết nước quốc gia. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp, David Littleproud, đã nhanh chóng bác bỏ động thái này và nói rằng vấn đề nhiên liệu không nằm trong chương trình nghị sự của chính phủ.

Ngày 10/3, trả lời phỏng vấn kênh truyền thông ABC, Bộ trưởng Ngân khố Australia, Josh Frydenberg, cảnh báo giá xăng sẽ tiếp tục tăng, trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới đang bị thu hẹp, nhưng ông cũng tiết lộ chính phủ sẽ chưa xem xét tới việc can thiệp nhằm bình ổn thị trường nhiên liệu trong nước. Các nguồn ngân sách vẫn sẽ được tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông vì điều đó rất quan trọng tại tất cả các thành phố và địa phương của Australia.

Bình luận của ông Frydenberg được đưa ra chỉ một ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương - RBA) Philip Lowe dự báo tỷ lệ lạm phát tại nước này có thể đạt ít nhất 4% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2-3% của RBA.

Tiến sỹ Lowe giải thích lạm phát tăng là do giá dầu và hàng hóa toàn cầu tăng, ảnh hưởng từ căng thẳng Nga - Ukraine, và giá lương thực nội địa tăng, do lũ lụt đang diễn ra trên diện rộng ở khu vực bờ biển phía Đông của Australia.

Mặc dù đưa ra cảnh báo về lãi suất, nhưng Thống đốc RBA cho rằng áp lực giá cả hiện tại chưa đạt đỉnh và "lạm phát bền vững" chỉ có thể được đảm bảo nếu tăng trưởng tiền lương cao hơn 3%.

Hiện tại, tăng trưởng tiền lương của Australia mới ở mức 2,3%, bằng mức trước đại dịch COVID-19. Vì vậy, RBA chưa xem xét nâng lãi suất cơ bản, ít nhất là cho tới cuối năm nay.

Diệu Linh (P/v TTXVN tại Sydney)
Giá dầu thế giới giảm hơn 10%
Giá dầu thế giới giảm hơn 10%

Giá dầu thế giới đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 9/3, ghi nhận mức giảm sâu nhất trong gần hai năm qua sau khi Các Tiểu Vương Quốc Arập thống Nhất (UAE)- một thành viên của Tổ Chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bơm thêm dầu ra thị trường nhằm bù đắp vào sự gián đoạn nguồn cung dầu của Nga do căng thẳng với Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN