Mới đây nhất, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã công bố phát hành ra công chúng 4.000 tỉ đồng trái phiếu với mức lãi suất thả nổi được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng với 1,1%/năm. Cụ thể, Agribank phát hành 4 triệu trái phiếu kỳ hạn 10 năm, mỗi trái phiếu có giá trị 1 triệu đồng.
Lãi suất tham chiếu được tính theo mức trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng được công bố trên website chính thức của 4 ngân hàng thương mại gồm: Agribank, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) với mức 6,8%/năm.
Như vậy lãi suất trái phiếu Agribank sẽ vào khoảng 7,9%/năm, nhỉnh hơn mức lãi suất trái phiếu của BIDV vừa công bố trước đó lần lượt vào khoảng 7,6 và 7,8%/năm đối với trái phiếu kỳ hạn 7 và 10 năm. Đây cũng là mức lãi suất hấp dẫn nếu so với mức 7,5%/năm mà Vietcombank áp với trái phiếu kỳ hạn 6 năm.
Mục đích phát hành trái phiếu được đại diện các ngân hàng cho biết là nhằm tăng quy mô vốn cho ngân hàng, tăng thêm nguồn vốn dài hạn phục vụ nhu cầu cho vay nền kinh tế, đồng thời tạo điều kiện để khách hàng có thêm cơ hội đầu tư.
Không khó để nhận ra, tăng vốn đang là bài toán áp lực đối với nhiều ngân hàng hiện nay bởi ngoài việc đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh, thì các ngân hàng còn phải cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đáp ứng chuẩn Basel II khi thời hạn áp dụng bộ chuẩn mực này cũng đã cận kề (đầu năm 2020).
Và càng cấp bách hơn khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% hiện nay về còn 40% kể từ đầu năm 2019 theo Thông tư số 19/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, giảm 5% tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn là con số không nhỏ đối với các ngân hàng thương mại. Do đó, các ngân hàng phải tích cực huy động vốn, nhất là vốn trung và dài hạn.
Cũng theo ông Hiếu, trong khi việc tăng vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu) không còn quá dễ dàng thì việc lựa chọn tăng vốn bằng trái phiếu được xem là đơn giản và nhanh chóng hơn khi không đòi hỏi quá nhiều thủ tục.
Trong cuộc họp bất thường vừa diễn ra, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cũng đã chia sẻ với cổ đông về nhiệm vụ cấp bách phải tăng năng lực tài chính cho VietinBank.
Theo vị lãnh đạo này, các tỷ lệ khai thác vốn của ngân hàng đều đã đến giới hạn nên biện pháp tăng vốn khả thi nhất của VietinBank tới đây chính là phải tăng vốn dựa vào các cổ đông, tức xin giữ lại cổ tức để tăng vốn.
"Chúng tôi đang đề xuất cho phép giữ lại cổ tức hàng năm, chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc chia một phần cổ tức bằng tiền, một phần bằng cổ phiếu. Hiện đề xuất này đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Chúng tôi sẽ thực hiện sau khi có văn bản phê chuẩn chính thức”, ông Thọ cho biết.
Phương án giữ lại lợi nhuận hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu, từ nhiều năm nay, không chỉ VietinBank mà cả BIDV đã từng đề nghị nhiều lần với cơ quan Nhà nước nhưng vẫn chưa được phê duyệt.
Trước đó, VietinBank đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong đợt 2 năm 2018, với lãi suất cố định 6%/năm.
Phát hành trái phiếu được coi là một trong những phương án tăng vốn đơn giản và nhanh chóng nhất đối với các ngân hàng nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), phát hành trái phiếu ồ ạt sẽ khiến các ngân hàng chịu rủi ro lãi suất tăng bởi đa phần các trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài và áp dụng mức lãi suất thả nổi. Từ đó gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí vốn đầu vào tăng. Khi lượng lớn trái phiếu đáo hạn, ngân hàng sẽ phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng, gây áp lực cho trong huy động để tiếp tục duy trì nguồn vốn bổ sung.
Mặt khác, dưới góc độ nhà đầu tư, "trái phiếu ngân hàng cũng như trái phiếu doanh nghiệp nói chung còn kém hấp dẫn", bà Vũ Phương Hằng (nhà đầu tư trên sàn VPBS) đánh giá. Lý do đưa ra dù ngân hàng là định chế tài chính lớn, uy tín nhưng kỳ hạn trái phiếu rất dài, thường từ 5-10 năm, nên rủi ro không phải không có. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chưa thực sự hấp dẫn so với các kênh đầu tư khác, lại thêm tính thanh khoản khá thấp nên các nhà đầu tư còn kém mặn mà với sản phẩm này.
Để giải "cơn khát" vốn của các ngân hàng, theo nhiều chuyên gia phương án an toàn nhất là tăng vốn cấp 1, dù việc này không hề dễ dàng.