Ngành nông nghiệp đang tăng cường xúc tiến thương mại ở các thị trường khác để tiếp cận đầu ra tốt hơn trong thời gian tới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng việc sơ chế, chế biến nông sản, tăng công suất; phối hợp với Sở Công Thương tìm kiếm các doanh nghiệp tiêu thụ để hỗ trợ nông dân trong lúc khó khăn này. Đối với các mặt hàng lúa gạo, chanh, bưởi, ngành nông nghiệp cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới nhằm đa dạng hóa thị trường cho nông dân.
Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân nên cắt bỏ trái ở đợt trái này để nuôi dưỡng cây chờ thu hoạch những đợt tiếp theo. Đối với những trái đã chín, gần tới thời điểm thu hoạch, nông dân cần tập trung lại để có thị trường lớn; phối hợp với các hợp tác xã để tiêu thụ bằng cách tăng sơ chế, chế biến.
Theo người dân, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, việc tiêu thụ một số nông sản như mít Thái, thanh long, chanh không hạt gặp khó khăn. Hiện tại, thương lái vào thu mua mít Thái cùng mức giá 5.000 đồng/kg chứ không phân loại như trước Tết; giá thanh long cũng sụt giảm từ khoảng 30.000 đồng/kg xuống còn khoảng 5.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Lướt (ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành) cho biết, gia đình trồng 600 cây mít Thái trên diện tích 6.000m2. Ngày 26 Tết Nguyên đán mít vẫn bán được với giá 26.000 đồng/kg, nhưng khoảng 10 ngày nay, giá sụt xuống còn 4.000 đến 8.000 đồng/kg. Đợt giảm giá lần này nông dân không lường trước được. Trong năm trước cũng có một đợt sụt giá nhưng cũng vẫn ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg, chỉ có đợt sụt giá lần này là mạnh nhất.
Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Phước A, huyện Châu Thành cho biết, nguyên nhân của đợt giảm giá lần này là do ảnh hưởng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona khiến việc thông thương ở các cửa khẩu gặp khó khăn. Hiện tại, diện tích mít đang thu hoạch rộ rất ít, diện tích thu hoạch chưa dứt điểm trong xã còn khoảng 120 ha.