Trong những ngày qua, nhiều cửa khẩu biên giới phía Bắc như các cửa khẩu phụ/cặp chợ biên giới thuộc địa bàn thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc); Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc); cửa khẩu Thiên Bảo (Vân Nam, Trung Quốc); cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh)… tạm dừng hoạt động khiến tình hình xuất khẩu trái thanh long Bình Thuận gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong các kho chứa thanh long tại Bình Thuận hiện có khoảng 4.000 tấn chưa xuất được. Sức mua của các thương lái vựa thanh long gần như đứng lại, hoặc có thu mua thì với giá rất rẻ, chỉ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm này đang là mùa thu hoạch thanh long trái vụ do bà con nông dân xử lý chong đèn.
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cho biết: Qua thống kê, từ nay đến cuối tháng 2, diện tích trái chín trên cây của tỉnh từ 8.000 đến 10.000 ha, tương đương từ 85 nghìn đến 100 nghìn tấn trái sắp thu hoạch. Trong khi đó, 90% sản lượng trái thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc và các cửa khẩu biên giới cũng như những giao dịch biên mậu đang dừng hoạt động khiến tình trạng tiêu thụ trái thanh long gặp khó khăn. Mặc dù cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh và Hoành Mô vẫn mở cửa và dự kiến cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa hoạt động trở lại vào ngày 3/2 thì việc kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa cũng được thực hiện nghiêm ngặt để phòng chống dịch.
Trước tình hình đó, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để tiêu thụ trái thanh long trên thị trường như: đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa thông qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ, nhất là trong dịp Rằm Tháng Giêng sắp tới; tăng cường chế biến các sản phẩm từ thanh long như: mứt, rượu vang…
Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long Bình Thuận cho biết: Có khả năng từ ngày 3/2 giá thanh long có thể giảm tiếp và thương lái sẽ dừng mua. Dự báo đến ngày 8/2, mặc dù các cửa khẩu sẽ thông quan nhưng các thương lái vẫn chưa di chuyển nhiều và sức mua chưa tăng. Vì vậy, trước mắt ngành nông nghiệp khuyến cáo những vườn đang cho trái thì người dân cần tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng để xuất bán thị trường nội địa và xuất khẩu ở các thị trường khác. Đối với các vườn chưa cho trái thì nông dân hạn chế xử lý điện và chăm sóc cành, chồi, cập nhật tình hình thị trường để có kế hoạch sản xuất. Về lâu dài, các hợp tác xã tuyên truyền, vận động thành viên tham gia liên kết chuỗi sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap để xuất khẩu thị trường khó tính…
Theo ông Trần Đình Trung, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến, bên cạnh chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ trái thanh long cho nông dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chính ngạch, xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc và kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn chế biến nông sản lớn tiêu thụ thanh long cho Bình Thuận. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành văn bản khuyến cáo nông dân giảm sản xuất, chủ yếu dưỡng cây trồng và tập trung sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn quốc tế…
Bình Thuận có tổng diện tích thanh long hơn 30.000 ha (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019). Sản lượng thu hoạch năm 2019 đạt 640 nghìn tấn. Do thủ tục giao hàng nhanh, thanh toán thuận lợi nên hoạt động xuất khẩu thanh long chủ yếu theo hình thức mậu biên sang Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu: Tân Thanh (Lạng Sơn) - Pò Chài (Quảng Tây, Trung Quốc); Kim Thành (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc); Thanh Thủy (Hà Giang) - Thiên Bảo (Vân Nam - Trung Quốc); Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc). Ngoài ra, thanh long Bình Thuận còn được xuất khẩu chính ngạch sang 17 quốc gia như Ấn Độ, Hà Lan, Đức, Australia…