Thị trường vàng thế giới và trong nước đang có những biến động rất khó lường. Theo ông Nguyễn Thế Hùng, chuyên gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng (HHKDV) Việt Nam, người dân cần tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông để có quyết định đầu tư, mua bán phù hợp.
“Nhiều khả năng giá vàng sẽ còn tăng thêm nhưng nếu tăng quá cao, giới đầu tư chốt lời, giá vàng sẽ lập tức suy giảm. Đơn cử như diễn biến cuối tuần qua, người mua vàng hôm trước – hôm sau đã bị lỗ 1 - 2 triệu đồng mỗi lượng. Chúng ta không thể dự đoán được khi nào giá vàng đạt đỉnh và khi nào giới đầu tư chốt lời”, ông Nguyễn Thế Hùng nói.
Theo HHKDV, hoạt động mua bán vàng của người dân trong nước vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng của tâm lý đám đông nên người mua phải thật bình tĩnh để nhận định. Nếu xem vàng là tài sản cất giữ thì khác, nhưng mua vàng để đầu tư, đầu cơ kiếm lời thì sẽ gặp nhiều rủi ro do giá vàng lên xuống thất thường. Còn nhà đầu tư có quan điểm lo ngại đồng tiền mất giá, các kênh đầu tư khác lợi nhuận ít hơn thì có thể chia một tỷ lệ tương đối để đầu tư vào vàng. Nhưng vấn đề là phải chọn thời điểm phù hợp, cẩn thận, theo diễn biến chung, không nên “sốt ruột” theo đám đông.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ nhận định: Diễn biến những ngày qua cho thấy, giới đầu cơ thế giới đã hành động sớm hơn những kịch bản được dự báo. Do vàng đã tăng quá nóng nên mức điều chỉnh của vàng khá sốc, rớt từ vùng 2.000 USD/ounce xuống dưới 1.900 USD/ounce. "Giá vàng thế giới đã biến động vượt ngoài dự báo, do vậy khi các quỹ đầu tư chốt lời giá sẽ giảm rất mạnh. Ngưỡng tiếp theo có thể là 1.870 USD/ounce, trong bối cảnh Mỹ đã cắt giảm quy mô các gói hỗ trợ, Nga công bố vắcxin phòng dịch COVID-19. Khi đó giá vàng trong nước có khả năng về mức 50 triệu đồng/lượng", ông Trần Thanh Hải dự đoán.
Sau 9 tuần tăng giá liên tiếp, giá vàng 3 ngày vừa qua rơi mạnh. Sáng 12/8, giá vàng SJC bán ra chỉ còn 51,5 triệu đồng/lượng, “bốc hơi” 10 triệu đồng/lượng so với đỉnh ngày 7/8 (62 triệu đồng/lượng). Trong khi đó, giá vàng mua vào chỉ còn hơn 47 triệu đồng/lượng.
Lo sợ giá vàng giảm mạnh, sáng 12/8, nhiều người hốt hoảng mang vàng đi bán. Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro, giá mua vào bị các đơn vị kinh doanh vàng đã nới rộng khoảng cách mua bán lên 4 triệu đồng/lượng, “ép” với mức giá chỉ hơn 47 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên đến chiều 12/8, giá vàng bất ngờ đảo chiều tăng mạnh, giá vàng bán ra được niêm yết ở mức 56 triệu đồng/lượng, tăng hơn 4 triệu đồng/lượng so với sáng 12/8.
Chiều 12/8, giá vàng tại một số thương hiệu có điều chỉnh tăng, giảm khác nhau so với phiên ngày 11/8. Tại hệ thống Doji, giá vàng giao dịch 53,50 – 56 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước đó.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC mua vào không thay đổi so với phiên trước là 53,40 triệu đồng/lượng nhưng bán ra là 56,40 triệu đồng/lượng, tăng 900.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Còn ở SJC, giá vàng giao dịch 52,56 – 56,40 triệu đồng/lượng, giảm 1,02 triệu đồng/lượng mua vào, tăng 900.000 đồng/lượng bán ra so với phiên trước đó.
Đặc biệt tại PNJ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giá vàng giao dịch là 49 – 49,05 triệu đồng/lượng, giảm kỷ lục là 3,9 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều so với phiên ngày 11/8. Giá vàng ở ngân hàng Martime Bank sụt giảm mạnh, giao dịch 51,26 – 53,70 triệu đồng/lượng, giảm 3,84 triệu đồng/lượng mua vào và giảm 3,7 triệu đồnglượng bán ra so với phiên trước đó.
Theo khảo sát tại các cửa hàng vàng ở Hà Nội chiều 12/8, lượng người tìm đến giao dịch đã giảm đi đáng kể so với những ngày trước đó khi giá vàng tăng mạnh và lập đỉnh vượt mốc trên 62 triệu đồng/lượng. Tại các cửa hàng kinh doanh vàng ở phố Trần Nhân Tông (Hà Nội): Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu... đã không còn cảnh tấp nập người ra vào, đợi chờ mua – bán vàng. Số lượng người đến chủ yếu là mua vàng lẻ một vài chỉ, hay đồ trang sức.
Theo anh Trần Xuân Dũng – Trưởng phòng kinh doanh vàng miếng của Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý, mấy ngày nay việc giao dịch vàng ở mức bình thường không còn “nóng” như tuần trước. “Trong ngày 12/8, lượng khách giao dịch tại cửa hàng chỉ ở mức trung bình. Số lượng người mua – bán không có sự biến động, chỉ có một số khách bán được giá cao mấy ngày trước thì nay đi mua lại. Có thể do sự biến động quá nhanh của thị trường những ngày gần đây khiến tâm lý người mua cũng thận trọng hơn”, đại diện Phú Quý nói.
Điều đáng mừng là, dù giá vàng trong nước và thế giới có nhiều biến động, song các động thái tăng giảm thường cùng chiều và trật tự thị trường vàng trong nước vẫn được bảo đảm, không xuất hiện tình trạng đầu cơ, tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát tốt. Hơn nữa, bất chấp giá vàng cao, thị trường tiền tệ khá ổn định, đơn cử sáng 3/8, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm USD ở mức 23.207 đồng/USD, giảm 6 đồng/USD so với phiên giao dịch hôm trước. Tại các ngân hàng thương mại, giá giao dịch USD có xu hướng chững lại so với các phiên giao dịch trước đó.
Đây là minh chứng thuyết phục và cũng là thông điệp mới khẳng định tính đúng đắn của tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Một thông điệp mới đáng chú ý là cần cảnh giác và chủ động giảm bớt tác động tiêu cực của các yếu tố tâm lý đám đông trên thị trường vàng trong nước, với 4 dấu hiệu nhận diện nổi bật sau: Thứ nhất, mức chênh lệch cao giữa giá mua và giá bán (tới hàng triệu đồng so với bình thường chi vài ba chục ngàn đồng); thứ hai, mức cao hơn vài trăm nghìn đồng giữa giãn cách giá trong nước và giá nước ngoài (tốc độ tăng giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới); thứ ba, quá nhiều số lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử (giá vàng thay đổi nhiều lần/ngày); thứ tư, sự giảm giá nhanh chóng mỗi khi có tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về sẵn sàng bán vàng ra để can thiệp thị trường vàng trong nước.