Gỡ vướng vốn tín dụng cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long

Hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng nợ quá hạn. Ngân hàng Nhà nước dự kiến áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: SBV.

Thiếu dự phòng rủi ro

Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 29/8, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Đào Minh Tú cho biết: Một số khách hàng khu vực ĐBSCL không trả được nợ vay khi đến hạn đã ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Trên thực tế, tại khu vực ĐBSCL, thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu, thiếu ổn định, cạnh tranh gay gắt, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng giảm. Bên cạnh đó là những hạn chế trong chất lượng sản phẩm, liên kết, ứng dụng công nghệ cao... Vấn đề khí hậu, dịch bệnh vẫn là những mối lo thường trực, trong khi các cơ chế, các quỹ dự phòng để xử lý rủi ro phát sinh vẫn đang thiếu.

Đề cập về khó khăn khi triển khai các chính sách tín dụng nông nghiệp tại ĐBSCL, ông Lê Thanh Lựu - Ban Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam cho biết: Tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam vẫn manh mún, nhỏ lẻ. “Tình trạng sản xuất theo chuỗi giá trị chưa được tổ chức và phát triển hợp lý, các mô hình liên kết số lượng còn ít, chưa hiệu quả do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ. Không chỉ vậy, còn xảy ra nhiều hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối. Năng lực tài chính và tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân vẫn thấp; tình hình tài chính, quản trị, điều hành của doanh nghiệp hạn chế, thiếu phương án sản xuất, kinh doanh khả thi hoặc không có đủ tài sản đảm bảo khi vay vốn”, ông Lê Thanh Lựu nói.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp

Mặc dù mới thành lập năm 2017 nhưng Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, Cần Thơ (doanh nghiệp start - up trong lĩnh vực chế biến nông sản) đã đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng 200% sau mỗi năm. Ông Phạm Tiến Hoài – Giám đốc công ty chia sẻ, kết quả này có được là nhờ sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả, thậm chí, ngân hàng còn hỗ trợ cho doanh nghiệp cả thủ tục xuất nhập khẩu. 

Nhờ có nguồn vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp Tiến Thịnh đã đầu tư dây chuyền trang thiết bị hiện đại từ Italy, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, đại lý để đưa vào sản xuất với công suất 10.000 tấn/năm. Sản phẩm chủ lực của công ty là các mặt hàng từ quả thanh long, mãng cầu. Tuy nhiên phía doanh nghiệp cũng nhấn mạnh: Khi vay vốn là phải chuẩn bị kỹ bộ hồ sơ thủ tục pháp lý đầy đủ của dự án; đồng thời chia sẻ toàn bộ mong muốn, kế hoạch và cả những khó khăn vướng mắc, từ đó, được ngân hàng hiểu, chia sẻ và đồng hành suốt quá trình khởi nghiệp.

Đánh giá về tình hình vay vốn nói chung, ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho hay: Thông qua Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, từ đầu năm đến cuối quý II/2019, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho vay đạt gần 71.300 tỷ đồng cho trên 4.400 doanh nghiệp và một số đối tượng khác. Các tổ chức tín dụng (TCTD) còn cơ cấu lại nợ cho một số doanh nghiệp tại khu vực ĐBSCL; hỗ trợ giảm lãi suất; nâng hạn mức cho vay cho trên 250 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ là trên 3.720 tỷ đồng.

Riêng tại khu vực ĐBSCL, quy mô tín dụng đạt 623.926 tỷ đồng, tăng 7,76% so với 31/12/2018 , trong đó tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 14,8%, một số lĩnh vực thế mạnh như lúa gạo tăng 13,92%, thủy sản tăng 8,45%... 

Một số chương trình tín dụng đặc thù đạt kết quả tốt như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/NQ-CP đạt dư nợ trên 2.000 tỷ đồng; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ đạt dư nợ trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 10,4% tổng dư nợ cho vay toàn quốc, từ đó góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt khoảng 7,5%, cao hơn bình quân cả nước (6,79%).

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phía NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. 

Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm thế mạnh của vùng như lúa gạo, thủy sản, trái cây…; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và của NHNN; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; đồng thời, khuyến khích các TCTD phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cường triển khai các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá và giá cả hàng hóa.

Đại diện NHNN cho biết: Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao: Giai đoạn 2015 - 2017 đạt 18 - 19%, 2018 đạt gần 14%, đến 31/7/2019 tín dụng toàn nền kinh tế đạt 7.748.792 tỷ đồng, tăng 7,46%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên là động lực của tăng trưởng kinh tế như: Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,67% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng 18,4% với trên 196 nghìn doanh nghiệp còn dư nợ; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt trên 250.000 tỷ đồng, tăng 15,83%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 31.000 tỷ đồng, tăng 19%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 6%.
Minh Phương/Báo Tin tức
Vốn đã vào doanh nghiệp  nhờ kết nối ngân hàng
Vốn đã vào doanh nghiệp nhờ kết nối ngân hàng

Sau 3 năm (2012 - 2015) UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH - DN), đã có gần 6.300 khách hàng được vay tổng số tiền hơn 145.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 5 - 9%/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN