Hai nhân tố chính chi phối thị trường vàng thế giới tuần qua

Tuần qua, sự biến động của đồng USD và mối lo về một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là hai nhân tố chính chi phối thị trường vàng thế giới.

Vàng được bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong phiên giao dịch đầu tuần (2/4), giá vàng tăng hơn 1% khi đồng USD giảm giá và Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với 128 sản phẩm của Mỹ để đáp trả việc Mỹ áp thuế cao đối với nhôm và thép Trung Quốc. Theo nhà quản lý doanh mục đầu tư Jeff Klearman của GraniteShares, căng thẳng địa chính trị trên thế giới gia tăng biểu hiện qua động thái đáp trả thương mại của Trung Quốc là yếu tố hỗ trợ giá vàng trong ngày giao dịch 2/4.

Giá vàng quay đầu đi xuống trong phiên ngày 3/4 khi đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán tại Mỹ ổn định trở lại. Chỉ số đồng USD - được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với giỏ các đồng tiền chủ chốt khác - phiên này tăng 0,18% lên 90,21 (điểm). Theo nhà phân tích thị trường Fawad Razaqzada của trang giao dịch điện tử Forex.com, đồng USD hoàn toàn có khả năng tiếp tục tăng cao hơn trong tuần này.

Sang phiên 4/4, giá vàng thế giới rời khỏi mức cao trong của một tuần song vẫn duy trì đà đi lên giữa lúc đồng USD giảm giá so với đồng yen và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn gia tăng. Quan ngại về nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn khi nhiều người hướng tới và xem kim loại quý này như là một tài sản an toàn, nhất là trong thời gian bất ổn kinh tế hay địa chính trị.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 5/4, giá vàng quay đầu đi xuống trong bối cảnh nhu cầu đối với các tài sản an toàn sụt giảm, sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phát đi tín hiệu sẵn sàng thương lượng để giải quyết bất đồng thương mại. Chuyên gia Chris Gaffney, thuộc Everbank, nhận định khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có phần lắng dịu, thị trường chứng khoán đi lên và qua đó gây sức ép đối với vàng.

Giá vàng đã lấy lại đà tăng trong phiên cuối tuần (6/4), nhờ sự yếu đi của đồng USD và mối lo ngại về căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chốt phiên này, tại New York giá vàng giao tháng Sáu tăng 0,6% lên 1.336,10 USD/ounce.

Mới đây, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét đánh thuế lên số hàng hóa trị giá 100 tỷ USD nhập từ Trung Quốc. Chỉ thị mới nhất này của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố các biện pháp đáp trả tương tự. Một số nhà quan sát lo ngại việc hai nước trả đũa lẫn nhau theo kiểu "ăn miếng trả miếng" có thể dẫn tới một cuộc chiến thương mại thực sự với quy mô và thiệt hại khó có thể kiểm soát.

Ngoài ra, phiên này, giá vàng còn được hưởng lợi từ thống kê cho thấy trong tháng Ba, kinh tế Mỹ tạo được ít việc làm nhất trong sáu tháng. Điều này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) làm chậm lại tiến trình nâng lãi suất.

Giá vàng đã rất “chật vật” để ra khỏi vùng 1.300-1.360 USD/ounce kể từ đầu năm tới nay. Một số chuyên gia cho hay sẽ cần một “cú hích” khá lớn để đưa kim loại quý này vượt ngưỡng kể trên.

Các chuyên gia dự đoán rằng với những biến động mạnh trên thị trường cũng như căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, giá vàng sẽ được giao dịch trên ngưỡng 1.300 USD/ounce trong cả năm 2018, với 30% khả năng kim loại quý này tiến tới mức 1.400 USD/ounce trong năm nay.

Trà My (Tổng hợp)
Giá vàng thế giới sụt giảm
Giá vàng thế giới sụt giảm

Trong phiên giao dịch ngày 5/4, giá vàng thế giới đi xuống trong bối cảnh nhu cầu đối với các tài sản an toàn sụt giảm, sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phát đi tín hiệu sẵn sàng thương lượng để giải quyết bất đồng thương mại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN