Mới đây, trên các báo đài đăng tải bài viết “Hàng tồn phế liệu vẫn chưa được tái xuất”, phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, các hãng tàu về những vướng mắc trong quá trình tái xuất phế liệu tồn đọng. Nguyên do phía Hải quan lo ngại về tình trạng quay vòng container để nhập khẩu phế liệu vừa bị tái xuất vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hãng tàu, trường hợp này không khả thi, vì Hải quan có danh sách container buộc tái xuất; trước khi tàu cập cảng, các hãng tàu phải truyền Manifest (hệ thống tiếp nhận bảng khai hàng hóa), riêng phế liệu còn phải truyền thêm E-scrap (chương trình quản lý theo dõi phế liệu) cho Hải quan, nên không thể xảy ra tình trạng hàng bị buộc tái xuất cập lại cảng. Bên cạnh đó, tình trạng tồn đọng phế liệu tại cảng đang gây thiệt hại lớn cho các hãng tàu, vì phải trả chi phí lưu container, không đưa vỏ container vào khai thác được, doanh nghiệp cảng bị chiếm mặt bằng... Vì vậy, các hãng tàu mong muốn TCHQ sớm có quyết định yêu cầu các hãng tàu tái xuất phế liệu không đạt chuẩn ra khỏi Việt Nam.
Chiều 13/10, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (TCHQ) cho biết: Theo quy định, đối với phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, cơ quan Hải quan yêu cầu các hãng tàu thực hiện tái xuất toàn bộ các lô hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. TCHQ cũng yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo danh sách các lô hàng, danh sách các hãng tàu đề nghị tái xuất gửi về TCHQ để rà soát, đảm bảo việc sau khi tái xuất phế liệu không quay trở lại Việt Nam.
Cục Giám sát quản lý hải quan nhận thấy, việc tái xuất phế liệu hầu như không tái xuất về nước xuất khẩu ban đầu và đều dự kiến tái xuất sang nước thứ ba. Việc tái xuất sang nước thứ ba có khả năng bị từ chối nhận hàng, hàng hóa có thể bị trả lại Việt Nam, dễ dẫn đến phản ứng không tốt của các nước nhập khẩu, do quy định về nhập khẩu phế liệu là khác nhau. Đồng thời, việc chuyển hàng hóa sang vỏ container khác để tái xuất sang nước thứ ba và việc tái xuất qua của khẩu đường bộ, đường thủy nội địa tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.