Đây là chương trình hợp tác về kiểm soát container nhằm chống các hoạt động phi pháp qua biên giới, xuyên quốc gia.
Chương trình kiểm soát cotainer (CCP) là sáng kiến hợp tác chung giữa UNODC và Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) được đưa ra nhằm hỗ trợ Chính phủ các nước tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật để nâng cao hiệu quả kiểm soát container tại các cảng biển; giảm thiểu nguy cơ bị các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia lợi dụng container đường biển để vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, vũ khí…
CCP là chương trình được thực hiện và đã thành công tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Trong khuôn khổ chương trình, gần 100 đơn vị kiểm soát cảng (PCU) đã được thành lập tại các khu vực châu Phi (Kenya, Maroc, Ghana…), châu Mỹ (Argentina, Brazil, Chi Lê…), Trung Đông (Ai Cập, Iran…), châu Á (Ấn Độ, Bangladesh). Từ năm 2015, chương trình đã mở rộng ra khu vực Đông Nam Á, bao gồm các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Tại Việt Nam, được sự phê duyệt của Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tham gia CCP từ tháng 2/2015. Hiện CCP được triển khai tại các cục hải quan tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, với sự thành lập của 4 PCU làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Các nhóm PCU được thành lập với mục đích phản ứng nhanh, nhằm xác định trọng điểm một cách có hệ thống và hiệu quả những container có nguy cơ rủi ro cao để kiểm tra. Nhóm đã được đào tạo bài bản và nâng cao để có thể kết hợp và sử dụng thành thạo kỹ thuật phân tích nguy cơ rủi ro cùng các thiết bị do UNODC trang cấp và nghiệp vụ kiểm soát để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến luồng thương mại tự do hợp pháp.
Nhận thấy hiệu quả của việc triển khai CCP tại Việt Nam, Cục Các vấn đề về ma túy và thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông qua UNODC tài trợ cho Hải quan Việt Nam tiểu dự án trị giá 400.000 USD trong khuôn khổ CCP nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực cho các PCU của Hải quan Việt Nam; từ đó ngăn chặn các hoạt động vận chuyển bất hợp hàng hóa cấm, thông qua đó ngăn chặn hoạt động khủng bố, buôn lậu; góp phần đảm bảo an ninh, an toàn quốc gia, an ninh chuỗi cung ứng thương mại trong khu vực và trên thế giới.
Theo cam kết, các hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ thông qua UNODC được thực hiện trong vòng 2 năm từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2022, chủ yếu được thực hiện dưới hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tập trung về các lĩnh vực phòng chống ma túy, tiền chất và một cấu phần nhỏ về các loài hoang dã thuộc Công ước CITES.