Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính). Ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức. |
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, để thực hiện thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và thực hiện Luật Hải quan; đồng thời tiếp tục thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong các Hiệp định Thương mại tự do trong các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2023, có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018. Việc quy định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cho giai đoạn 5 năm, nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp.
Hiện, Việt Nam đang thực hiện cam kết về thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong khung khổ 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm: ASEAN, ASEAN-Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Australia - New Zealand, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Chi Lê và Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Các Nghị định này bổ sung quy định về thuế suất thuế nhập khẩu trong và ngoài hạn ngạch thuế quan. Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng hạn ngạch thuế quan thì mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan được chi tiết tại Biểu thuế kèm theo các Nghị định. Mức thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch áp dụng theo quy định của Chính phủ tại thời điểm nhập khẩu. Số lượng nhập khẩu hàng năm theo quy định của Bộ Công thương.
Theo Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA), thì tính đến năm 2018 có 5.535 dòng thuế cắt giảm về 0% và năm 2018 có 3.720 dòng thuế đang tiếp tục về 0% gồm: Sữa và sản phẩm từ sữa, ô tô và phụ tùng linh kiện ô tô, sắt thép và sản phẩm sản thép…
Với Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), số dòng thuế giảm từ mức 5%, 10% xuống 0% năm 2018 gồm: thịt gà, cà phê, chè nguyên liệu, chế biến thực phẩm, vải may mặc, quần áo, máy móc thiết bị điện và điện tử… Theo Nghị định ban hành biểu thuế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), có 456 dòng thuế suất 0%, chủ yếu ở các nhóm chất béo, đường, máy móc thiết bị, bộ phận xe cộ…
Về cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu trong Nghị định ban hành biểu thuế ASEAN (ATIGA) thì theo cam kết Việt Nam đã hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ thuế quan trong ASEAN vào năm 2015, chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt đến năm 2018 (chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng như ô tô, xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô xe máy, dầu thực vật, hoa quả nhiệt đới, đồ điện dân dụng như tủ lạnh, máy điều hòa, sữa và các sản phẩm từ sữa...). Khoảng 2% số dòng thuế của Biểu ATIGA được loại trừ khỏi cam kết xóa bỏ thuế quan gồm các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (được phép duy trì thuế suất ở 5%: gia cầm sống, thịt gà, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường)...
“Nhìn tổng thể chỉ khoảng 5% dòng thuế có thay đổi về thuế suất. Bộ Tài chính đã tính toán tác động và đã thể hiện trong dự toán ngân sách hàng năm”, ông Tuấn Anh nói.