Từ đầu năm đến nay, không chỉ có sữa của Công ty Vinamilk tăng giá mà đã có một số doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất sữa khác trong nước cũng điều chỉnh tăng giá bán trong phạm vi 5% so với giá kê khai liền kề trước đó như Công ty TNHH FrieslandCampina, Công ty TNHH Nestle Việt Nam.
Cụ thể, ngày 1/5/2018, hãng sữa Nestle đã tăng giá đối với 11 sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em. Đây là lần thứ hai Nestle Việt Nam tăng giá bán sản phẩm dành cho trẻ em từ khi quy định giá trần được dỡ bỏ (từ 31/3/2017) và Bộ Công Thương có thông tư hướng dẫn việc đăng ký giá, kê khai giá các mặt hàng này (Thông tư 08/2017, có hiệu lực từ 10/8/2017).
Trước đó, vào cuối tháng 10/2017, Nestle Việt Nam đã tăng giá dưới 5% đối với 7 sản phẩm là các loại bột ăn dặm như Nestle Cerelac yến mạch măng tây; Nestle Cerelac cá và rau xanh… dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Nguyên nhân tăng giá được các doanh nghiệp giải thích là do chi phí sản xuất đầu vào tăng (giá nguyên liệu thế giới tăng từ 12 - 20%, giá ngoại tệ, tiền lương tăng,...), do một thời gian dài (gần 3 năm) thực hiện chương trình Bình ổn giá của Chính phủ, giá sữa của các doanh nghiệp ổn định hoặc giảm giá tùy từng chủng loại gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp...
Một số doanh nghiệp có sản phẩm mới bổ sung thêm vi chất (HMO, IQ...) bán ra trên thị trường như Công ty TNHH Friesland Campina, Công ty TNHH dinh dưỡng 3A Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam... So sánh với những sản phẩm tương quan trên thị trường, những sản phẩm này có mức tăng từ 3 - 7%.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường sữa trong nước vẫn ổn định, do ảnh hưởng của giá thế giới nên có đơn vị nhập khẩu, sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi điều chỉnh giá bán sản phẩm, tuy nhiên, mức giá điều chỉnh vẫn thuộc sự giám sát và quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Trong trường hợp doanh nghiệp tăng giá vẫn phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2017/TT-BCT, gửi hồ sơ Thông báo điều chỉnh giá bán đối với những sản phẩm tăng giá trong phạm vi 5%, trường hợp lũy kế các lần thông báo điều chỉnh vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai hoặc thông báo lần liền kề trước đó, thương nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định; gửi hồ sơ kê khai giá đối với những sản phẩm mới về cho cơ quan quản lý nhà nước theo dõi và giám sát.
Theo các chuyên gia, mặc dù các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng giá, tuy nhiên mặt bằng giá sản phẩm sữa trên thị trường vẫn tiếp tục ổn định, không có sự tăng giá đột biến hay biến động giá sữa nhiều và dự báo xu hướng này sẽ được giữ trong thời gian tới.