Theo bà Nguyễn Thị Cúc, ngành thuế cần tăng cường quản lý thuế đối với các hộ cá nhân kinh doanh và đặc biệt là thương mại điện tử (TMĐT). Trong TMĐT Facebook chỉ là một phần, còn có Agoda, booking.com, hoặc những trò chơi điện tử và trực tuyến. Làm thế nào để kiểm soát được kinh doanh và doanh thu là vấn đề cơ quan thuế phải xem xét.
Theo Hội tư vấn Thuế Việt Nam, để kiểm soát được vấn đề này, trước hết phải rà soát trên cả nước hiện có bao nhiêu tổ chức và cá nhân thực hiện kinh doanh online thông qua các trang mạng xã hội, kể cả chương trình quảng cáo trên truyền hình? Khâu đầu tiên là phải đăng ký. Hiện nay các Cục Thuế lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tìm lại trên cơ sở dữ liệu của mình để thông báo cho các tổ chức, cá nhân có kinh doanh yêu cầu đăng ký nhưng thực tế việc đăng ký tự nguyện là rất nhỏ. Cơ quan thuế đã phát hiện từ chủ tài khoản đăng ký ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng người đứng tên lại ở Quảng Nam nên đã thu thuế được mấy chục tỷ đồng.
“Như vậy cơ quan thuế cần rà soát lại tất cả chứ không chỉ một vài địa chỉ; người kinh doanh trên Facebook phải đăng ký. Nếu không đăng ký mà vẫn kinh doanh sẽ bị phạt”, bà Cúc nhấn mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, phần lấy tiền mặt từ việc bán hàng có doanh thu không nhiều, doanh thu lớn nhất của các kênh bán hàng trên Facebook chủ yếu qua giao dịch hệ thống ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng thương mại, điện tử phải kết nối số liệu doanh thu với các ngân hàng đó. Phía các ngân hàng phải có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu. Khi ngành thuế nắm được luồng tiền, luồng hàng thì mới kiểm soát được.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, một vi phạm rất rõ ràng của Facebook chính là việc cung cấp quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp tại Việt Nam.
Đây là thực tế đã diễn ra từ rất nhiều năm qua, tuy nhiên cơ quan thuế vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý đối với Facebook. Lý do của điều này bởi vì Facebook vẫn chưa thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục thuế), cơ quan thuế đang thực hiện nhiều biện pháp để thu hồi số tiền thuế đã thất thoát nhưng lại vướng về vấn đề pháp lý.
“Việt Nam đang bị mất 2 nguồn thuế. Thứ nhất là những người bán hàng online trên Facebook nhưng không kê khai nộp thuế. Thứ 2 là số tiền Facebook nhận được từ các cá nhân, tổ chức tham gia quảng cáo tại Việt Nam nhưng lại không nộp thuế nhà thầu”, đại diện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho biết.
Theo Tổng cục Thuế, có rất nhiều công ty đang kinh doanh trên Internet, nhưng Tổng cục thuế dù biết cũng không làm gì được họ vì không có chức năng. Trong khi đó, phía các ngân hàng cũng gặp khó do bị hạn chế bởi các điều luật liên quan tới bí mật đời tư cá nhân của người sử dụng.