“Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, cần rà soát các chính sách hiện hành, những chính sách nào gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp? Ví dụ: quy định hộ kinh doanh và doanh nghiệp bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm đối với người lao động. Nếu quy định này được thực hiện, chắc chắn Nhà nước có thêm công cụ để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Có những ưu đãi cụ thể, thiết thực đối với doanh nghiệp thành lập mới (thay vì những ưu đãi tập trung cho hộ kinh doanh hiện nay) như: Tiếp cận thông tin, hỗ trợ pháp lý, tiếp cận đất đai và các nguồn lực cho sản xuất kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Mùi nói.
Bước thứ hai, theo chuyên gia Nguyễn Thị Mùi, từng bước thống nhất về cách quản lý các đơn vị sản xuất kinh doanh, (về bản chất, hộ kinh doanh do cá nhân làm chủ tương tự như doanh nghiệp tư nhân; còn hộ kinh doanh do nhóm cá nhân làm chủ có bản chất tương tự như công ty hợp danh), từng bước xây dựng các cơ chế tài chính, thuế, tín dụng, kế toán có liên quan đến các đối tượng này cho phù hợp.
Một số chuyên gia tài chính cho hay: Trước thời điểm Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có hiệu lực năm 2018, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các chính sách nhằm khuyến khích hộ kinh doanh trên địa bàn chuyển sang thành lập doanh nghiệp như: Hỗ trợ về lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp; miễn thuế môn bài từ 1 - 3 năm; hỗ trợ kinh phí thực hiện phần mềm kế toán… Khi Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, một số chính sách, chương trình hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp đã được các địa phương triển khai bài bản hơn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới từ hộ kinh doanh vẫn rất khiêm tốn.
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là khung pháp luật về hộ kinh doanh và doanh nghiệp dẫn đến những lợi thế và bất lợi giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.
Trong khi đó, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng có những “tâm tư”, bởi mô hình hiện nay đang khá thuận đối với họ. “Hộ kinh doanh chịu chi phí tuân thủ pháp luật về quản trị doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với các loại hình doanh nghiệp. Chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định cơ cấu tổ chức quản lý, hoạt động kinh doanh của hộ. Trong khi các loại hình doanh nghiệp phải thực hiện mô hình tổ chức quản trị doanh nghiệp, điều hành, quy trình ra quyết định. Hộ kinh doanh không phải là đơn vị kế toán theo quy định của Luật Kế toán; nên không bắt buộc phải tổ chức bộ máy kế toán và không có yêu cầu lập và trình bày báo cáo tài chính. Hộ kinh doanh không phải điều chỉnh bởi Luật Phá sản, mặc dù hộ kinh doanh do cá nhân làm chủ về bản chất tương tự như doanh nghiệp tư nhân, hoặc hộ kinh doanh do nhóm cá nhân làm chủ có bản chất tương tự như công ty hợp danh”, ông Nguyễn Huy Hùng, chủ hộ kinh doanh game online ngõ Tự Do, phố Đại La (Hà Nội) phân tích.
Chính vì vậy, việc khuyến khích các hộ kinh doanh nhỏ lẻ chuyển đổi thành doanh nghiệp thuận theo xu thế tất yếu và tạo thuận lợi cho công tác quản lý, cần đảm bảo tính nhất quán trong cơ chế chính sách của hai loại hình (doanh nghiệp và hộ kinh doanh) và sự thống nhất theo chủ trương chung.