Không gian trưng bày Vietnam Motorcycle Show 2017 hồi tháng 5/2017. Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam |
Theo ông Toshio Kuwahara, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam: Ở một số nước không phải không có hiện tượng giống như ở Việt Nam là giá ô tô hay xe máy bán ra thị trường cao hơn giá đề xuất.
Trên thực tế, với các mẫu xe máy tay ga nói chung, không chỉ riêng xe của Honda, người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn giá của nhà sản xuất đề xuất với các cửa hàng ủy nhiệm.
“Không phải Honda Việt Nam đồng tình hay hậu thuẫn cho hiện tượng này”, ông Toshio Kuwahara khẳng định.
“Việt Nam có Luật Cạnh tranh và theo quy định của Luật này các hãng sản xuất như chúng tôi không có quyền được ấn định mức giá cho nhà phân phối, các công ty thương mại và các công ty bán hàng.
Bản thân Honda Việt Nam và các đại lý cũng như các cửa hàng xe máy được Honda ủy nhiệm (Head) là các pháp nhân độc lập, là các đối tác của nhau. Do đó, mối quan hệ giữa Honda và các Head là chỉ là dừng lại ở ngưỡng đối tác.
Chính vì vậy, Honda Việt Nam chỉ có thể đưa ra mức giá bán lẻ đề xuất. Qua đó, chúng tôi có đề nghị với các đại lý, các Head ủy nhiệm không bán với giá cao hơn với mức giá chúng tôi đề xuất, nhưng chúng tôi không có quyền bắt buộc hay đưa ra mệnh lệnh đối với các Head này”.
Ông Toshio Kuwahara cũng cho hay, Honda Việt Nam đã khảo sát thị trường ở các tỉnh, thành phố, có những thời điểm giá bán tăng hơn so với giá đề xuất, đặc biệt là dịp cuối năm hay gần Tết là thời điểm mua sắm cao.
Mức giá người tiêu dùng mua xe cao hơn so với giá bán lẻ đề xuất cũng có một phần nguyên nhân là mất cân đối giữa cung và cầu. Trong trường hợp cung không đủ cầu, người tiêu dùng sẽ mua xe với giá cao hơn.
Để từng bước hạn chế tình trạng trên, từ năm ngoái và năm nay, các nhà máy sản xuất xe tay ga của Honda Việt Nam đang sản xuất hết công suất. Công ty cũng đang tiến hành mở rộng nhà máy ở Hà Nam để tăng công suất thêm 10%, tháng 10/2018 sẽ đi vào sản xuất nhằm tăng thêm nguồn cung, qua đó góp phần kéo mức giá về gần với mức giá đề xuất.