Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Việt Nam đang có quan hệ thương mại với 24 nước về sản phẩm thịt lợn. Ngành nông nghiệp sẽ kiểm soát về dịch bệnh và an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thịt lợn nhập khẩu. Ngành công thương sẽ có các thương vụ hỗ trợ các doanh nghiệp quan tâm việc nhập khẩu. Bộ sẽ cùng các đơn vị của ngành nông nghiệp kiểm soát sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đảm bảo an toàn. Việc nhập khẩu đều phụ thuộc vào sự tính toán của doanh nghiệp để đảm bảo nguồn cung trước, trong và sau Tết.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đây là mặt hàng được nhập khẩu tự do, không có hạn ngạch và chỉ chịu sự kiểm soát về kiểm dịch. Các doanh nghiệp sẽ tính toán dựa trên nhu cầu thị trường, khi có lợi họ sẽ nhập.
Đứng ở góc độ của ngành, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ngành không mong muốn phải nhập khẩu nhưng trong điều kiện không thể cân đối đủ thì việc nhập khẩu là đương nhiên trong nền kinh tế thị trường. Nếu nhập khẩu mà có sự kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ, hạn sử dụng… thì ngành nông nghiệp cũng không e ngại việc nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện giá thịt lợn trên thế giới cũng đang cao. Khi nhập khẩu cùng với việc có sự kiểm soát, kiểm dịch tốt thì giá sản phẩm nhập về cũng không thể là giá tốt.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết, triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng đánh giá nguồn cung, nhu cầu thị trường và đưa ra các giải pháp. Với đại dịch tả lợn châu Phi trên chăn nuôi lợn thì đương nhiên nguồn cung sẽ thiếu và thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Bằng mọi cách phải đảm bảo không thiếu thịt lợn nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận, sự hài hòa cho các bên.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành phải tìm mọi cách để tăng nguồn cung. Cùng với việc tái đàn an toàn, ngành chỉ đạo tăng sản xuất các vật nuôi an toàn như gia cầm, gia súc ăn cỏ, thủy sản… Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần tái cơ cấu bữa ăn để đảm bảo dinh dưỡng cũng như tránh lệ thuộc vào quá nhiều mặt hàng thịt lợn.
Là địa phương có đàn lợn lớn thứ hai cả nước, sau Đồng Nai, ông Phạm Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Sở đang tích cực hướng dẫn người dân tái đàn đối với những cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học. Những xã qua 30 ngày không có dịch tả lợn châu Phi, người dân có thể khai báo với chính quyền địa phương trước khi tái đàn. Nếu không khai báo, khi có dịch thành phố không hỗ trợ và thậm chí bị phạt.
Để kiểm soát dịch bệnh tốt, theo ông Phạm Huy Đăng, quan trọng là kiểm soát là tại gốc. Các cơ quan chức năng phải làm tốt việc quản lý ngay từ các cở sản xuất giống. Chính quyền cũng phải quản lý chặt trên địa bàn, không chỉ giao cho cơ quan chăn nuôi.
Mới đây, báo Thanh niên có đưa tin, giá thịt lợn tại siêu thị Aeon Tân Phú, TP Hồ Chí Minh có loại đã lên đến 280.000 đồng/kg, trong khi thịt bò được niêm yết bên cạnh chỉ 260.000 đồng/kg. Về thông tin này, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nguồn cung thiếu đã tác động giá tiêu dùng. Nơi nào nguồn cung thiếu thì nơi đó sẽ xảy ra tình trạng tăng cục bộ. Về thông tin này, các cơ quan báo chí cần nhìn nhận, đánh giá đúng về tình hình giá cả để đưa thông tin chuẩn xác, tránh đưa thông tin cục bộ làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Sở Công Thương bám sát các doanh nghiệp chế biến, khu giết mổ để kiểm soát dịch bệnh cũng như ổn định thị trường, đảm bảo giá cả phù hợp đến tay người tiêu dùng.
Theo Cục Chăn nuôi, tính 25/11, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 8.533 xã, 166 huyện/63 tỉnh thành, với 5,9 triệu con lợn, sản lượng khoảng trên 0.000 tấn. Trong tháng 11, có 146 xã có phát hiện dịch tả lợn châu Phi với 134.000 con lợn chết và tiêu hủy. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên dịch bệnh vẫn còn tồn tại nhưng với mức độ giảm rõ rệt.