Phát biểu trước báo giới tại Stockholm (Thụy Điển), Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của IMF Alfred Kammer cho rằng có nhiều ví dụ trước đây cho thấy các nhà hoạch định chính sách tạm dừng việc tăng lãi suất để rồi lại cần đến nỗ lực tăng lần thứ hai nhằm giảm lạm phát, gây tổn hại hơn nữa đối với nền kinh tế.
Từ năm 2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực đã "nối bước" Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Nhưng khi tăng trưởng kinh tế phục hồi và lạm phát chậm lại, đồng thời xảy ra các vụ ngân hàng phá sản do lãi suất cao, đã xuất hiện những dự đoán các ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
Mặc dù vậy, theo IMF, các ngân hàng trung ương cần tiếp tục nâng lãi suất vì IMF quan ngại giá năng lượng tăng sẽ kéo theo giá các mặt hàng khác trong toàn bộ nền kinh tế tăng.
Đối với ECB, ông Kammer cho rằng ngân hàng này cần duy trì tăng lãi suất đến giữa năm 2024 nhằm đưa lạm phát xuống mức mục tiêu vào năm 2025. ECB dự kiến sẽ nhóm họp về vấn đề lãi suất trong tuần tới.
IMF cũng kêu gọi các nước châu Âu giảm thâm hụt ngân sách, sau thời gian dài tăng chi để ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của giá năng lượng tăng do xung đột tại Ukraine.
Khi được hỏi về những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực, ông Kammer cho rằng các nền kinh tế châu Âu đang hoạt động “hết công suất”. Về vấn đề tiền lương, ông Kammer cho rằng tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mức tăng lương còn ít trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp tăng. Vì vậy, các chủ sử dụng lao động “vẫn có thể tăng lương hơn nữa”.