Báo cáo của IMF chỉ ra rằng mặc dù lạm phát vẫn là mối lo ngại ở một số nền kinh tế nhập khẩu dầu tại Trung Đông, triển vọng tăng trưởng phần lớn bị ảnh hưởng do cuộc xung đột ngày càng diễn biến phức tạp giữa quân đội Israel và Phong trào Hamas ở Gaza. Các nền kinh tế ở Trung Đông - Bắc Phi (MENA) đang phải đối mặt mức độ bất ổn đáng kể trong năm nay, giữa lúc xung đột có nguy cơ lan rộng ra khu vực rộng lớn hơn.
Tháng 4 vừa qua, IMF đã hạ 0,6 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế ở Trung Đông và Trung Á trong năm nay xuống 2,7%. Trong báo cáo mới nhất, định chế tài chính đa phương quốc tế này một lần nữa giảm 0,3 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế nói trên xuống còn 2,4% trong năm 2024.
IMF cũng điều chỉnh hạ 0,4 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực MENA trong năm 2024 xuống còn 4%. Mức dự báo tăng trưởng ở Saudi Arabia, nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab, cũng được điều chỉnh giảm lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 1,3 điểm phần trăm xuống còn 1,7% năm 2024 và 4,7% năm 2025. Theo IMF, việc điều chỉnh này chủ yếu xuất phát từ các quyết định gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu trong khu vực.
Saudi Arabia, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đã được hưởng lợi từ sự phục hồi của giá dầu. Giá dầu thô đã tăng khoảng 10% kể từ đầu năm 2024 tới nay nhờ kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+. Hồi tháng trước, OPEC+ nhất trí gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày đến cuối năm 2025. Bên cạnh đó, việc cắt giảm sản lượng tự nguyện bổ sung 2,2 triệu thùng/ngày của 8 thành viên OPEC cũng được kéo dài thêm 3 tháng đến cuối tháng 9 tới.
* Cũng trong báo cáo trên, IMF tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Argentina xuống -3,5% năm 2024, giảm 0,7% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, IMF cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh sẽ hồi phục và tăng trưởng 5% trong năm 2025, tỷ lệ này được duy trì như dự báo trước đó và là mức cao ở khu vực Mỹ Latinh trong năm tới.
Cơ quan này cũng kêu gọi Argentina tiến hành đối thoại chính trị, đồng thời bày tỏ ủng hộ các chính sách cải cách do Chính phủ của Tổng thống cực hữu Javier Milei đang tiến hành, đặc biệt là những nỗ lực cân bằng ngân sách.
Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Quốc hội Argentina ủng hộ và thông qua các chính sách kinh tế do chính phủ đề xuất để nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ có thể phục hồi. Theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, IMF dự báo lạm phát của Argentina trong năm nay sẽ ở mức 140%, giảm đáng kể so với 211% của năm 2023, nhờ các kỷ luật tài chính.
Chuyên gia này nhận định: “Nỗ lực kiểm soát lạm phát, vốn là một vấn đề quan trọng của Argentina, tác động đáng kể đến hoạt động kinh tế. Lẽ đương nhiên chi tiêu công và các chính sách tiền tệ buộc phải thắt chặt hơn, cản trở kinh tế Argentina phát triển trong năm 2024”.
IMF cũng dự báo kinh tế Mỹ Latinh và Caribe sẽ đạt mức tăng trưởng 1,9% năm nay và 2,7% năm 2025.