Trong đánh giá hằng năm về tình hình kinh tế và tài chính của Anh, IMF cho rằng, thách thức chính của London trong trung hạn là giải quyết tốt hơn nhu cầu chi tiêu công, cũng như đảm bảo nợ công ổn định. IMF nhấn mạnh tính cấp thiết của việc kiểm soát nợ công - vốn đã chạm mức tương đương 100% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh.
Theo IMF, Chính phủ Anh cần mạnh tay đầu tư, đặc biệt là vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, trong bối cảnh thiếu vốn và dân số già đi. Bên cạnh đó, London cũng cần có những cải cách cơ cấu tham vọng hơn để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng.
Để giải quyết thách thức kép nói trên, IMF đã đề xuất tăng nguồn thu từ thuế của chính phủ thông qua việc tăng thuế carbon, thuế thừa kế, thuế tài sản và thuế giá trị gia tăng (VAT).
Mặc dù được dự đoán sẽ "hạ cánh mềm" sau một thời kỳ suy thoái ngắn hồi cuối năm ngoái, song IMF vẫn bày tỏ sự thận trọng về tăng trưởng kinh tế dài hạn của Anh, dự báo sẽ ở mức vừa phải, do tăng trưởng năng suất yếu, dân số già.
Theo IMF, lạm phát của Anh đã trở lại mục tiêu và dự kiến sẽ tạm thời tăng nhẹ lên 2,5% vào cuối năm nay. Sau mức tăng trưởng gần bằng 0 vào năm 2023, tăng trưởng kinh tế được dự báo ở mức khiêm tốn 0,7% vào năm 2024, sau đó là 1,5% vào năm 2025 và 1,7% vào năm 2026.
Ngày 5/7, chiến thắng vang dội của Công đảng Anh do ông Keir Starmer lãnh đạo, đã đánh dấu một sự thay đổi chính trị quan trọng, chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ. Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này, đã nhấn mạnh cam kết của chính phủ trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung vào năng lượng gió và nhà ở.