Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cuối tuần qua cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận áp thuế năm 2016 với Google, song từ chối tiết lộ nội dung chi tiết.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, ông Rudiantara, cũng xác nhận công ty Alphabet - thuộc công ty Google châu Á- Thái Bình Dương - đặt trụ sở tại thủ đô Jakarta đã chấp thuận cách thức đóng thuế cho nước này trong tương lai, đồng thời cho biết thỏa thuận đóng thuế trên có thể thay đổi theo các quy định về quảng cáo trên mạng internet tại Indonesia. Bộ này sẽ làm việc với Ủy ban Điều phối Đầu tư Indonesia (BKPM) để thống nhất các quy định liên quan. Động thái trên được xem như một tín hiệu tích cực cho thấy chính phủ "đất nước vạn đảo" có thể theo đuổi chính sách áp thuế đối với các công ty công nghệ khác như Facebook và Twitter.
Việc đàm phán ký kết thỏa thuận nói trên được thực hiện sau khi Chính phủ Indonesia cuối năm 2016 phong tỏa hoạt động của Google trong vòng một tháng với cáo buộc hãng công nghệ nổi tiếng không đóng thuế đầy đủ. Trước đó, hồi tháng 9/2016, Indonesia đã yêu cầu Google thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trong 5 năm qua, trong đó khoản thuế riêng năm 2015 là hơn 400 triệu USD. Tuy nhiên, Google đã dẫn ra các chứng cứ cho thấy doanh thu của hãng tại Indonesia thấp hơn nhiều so với số liệu mà quan chức bộ tài chính đưa ra.
Năm ngoái, Google đã chấp thuận nộp cho Anh khoản thuế 130 triệu bảng (166 triệu USD) theo yêu cầu của cơ quan thuế vụ nước này. Mới đây nhất, ngày 27/6 vừa qua, cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) cũng yêu cầu Goolge nộp phạt 2,4 tỷ euro (2,7 tỷ USD) do vi phạm quy định chống độc quyền của khối này trong lĩnh vực bán hàng trên mạng. Đây là mức phạt lớn nhất đối với một công ty trong vụ kiện chống độc quyền của EU. Tuy nhiên, Google ngay lập tức lên tiếng phản đối quyết định trên và tuyên bố đang xem xét kháng cáo.